Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/3, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức. 
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc "Đối thoại 2045" với các đại diện doanh nghiệp, trí thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước.
 Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Lắng nghe giới tinh hoa
Thủ tướng cho biết muốn lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Thủ tướng cũng lắng nghe những sáng kiến để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững và tăng cường, đời sống của nhân dân mọi vùng miền tổ quốc được cải thiện rõ nét, niềm tin của nhân dân ngày càng được khẳng định vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Quy mô kinh tế nước ta đã có bước phát triển nhanh, từ đứng thứ 55 đã lên thứ 40 hiện nay… Tuổi thọ người dân tăng và ngang bằng các nước tiên tiến.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại hội nghị này, Thủ tướng nêu một vài thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đó là thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm chưa vững chắc. Quy mô kinh tế tăng lên nhưng quy mô tính GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia chỉ ở mức trung bình thế giới.
Các nút thắt phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm phát triển. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, thậm chí các trường đại học còn nhiều bất cập. Một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh.
"Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ
Thủ tướng nêu rõ, "Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. "Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các "Đối thoại 2045".
 Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng khẳng định: ''Chính phủ muốn trao đổi ý kiến về đồng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045, lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay''. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chính thức công bố chương trình "Đối thoại 2045" lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống nhất, TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ, đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa phát biểu". Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác. "Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045"
Bác Hồ có nhiều mong mỏi đối với Đảng, với đất nước, trong đó, Thủ tướng nhắc đến 2 di nguyện của Người trước khi qua đời là: Tổ quốc sẽ thống nhất hai miền Nam Bắc để dân tộc Việt Nam là một và một Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Do đó, lý do chọn Hội trường Thống nhất lịch sử này để tổ chức "Đối thoại 2045" bởi tại nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm năm 2045 cũng chính là dấu mốc để di nguyện lớn nhất của Bác trở thành hiện thực.
"Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của Người về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng nói.
Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đương những công việc lớn của đất nước.
Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài.
Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.
Bác Hồ đã từng nói "mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, "Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu". Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng chương trình "Đối thoại 2045", sáng kiến này sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.