Chiều nay 13/11, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz sẽ tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14/11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.
Hai nước ngày càng tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10/2011.
Thời gian qua, hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực đã phát triển không ngừng và liên tục được củng cố.
Trong đại dịch Covid-19, tình hữu nghị chân thành và quý giá giữa hai dân tộc, hợp tác giữa Việt Nam và Đức tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đầu tư-kinh doanh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng...
Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ sáu ở châu Á. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU, trong đó có Đức.
Cùng với thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Đức dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, Đức đã dành nguồn vốn ODA trị giá hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa – du lịch, khoa học – công nghệ, tư pháp cũng được hai bên tăng cường đẩy mạnh trong nhiều năm qua.
Với Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền, hai bên có cơ hội trao đổi nhiều hơn các lĩnh vực tư pháp, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, tư pháp của Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa như liên hoan phim, hòa nhạc, triển lãm sách, tranh, ảnh, ẩm thực, giao hữu thể thao… được nhân dân hai nước chào đón nhiệt tình.
Về du lịch, hai nước đều là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch của nhau. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 100.000 nghìn khách du lịch Đức, nhiều công ty lữ hành lớn của Đức đều có đại diện tại Việt Nam. Đây là một trong những mảng hợp tác tiềm năng mà hai bên có thể khai thác nhiều hơn nữa sau khi đại dịch qua đi.
Quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng được thắt chặt thông qua những nhịp cầu nối rất đặc biệt, đó là cộng đồng người nói tiếng Đức ở Việt Nam và cộng đồng với khoảng gần 200.000 người Việt Nam ở Đức.