Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các đồng chí lãnh đạo: Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, cùng Trưởng đoàn, Huấn luyện viên trưởng, các HLV, bác sĩ và toàn thể các cầu thủ của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.
Có lúc chỉ còn 6 vận động viên đủ điều kiện sang Ấn Độ thi đấu theo kế hoạch
HLV Mai Đức Chung chia sẻ, trong vòng giải vừa qua, chúng tôi đã đi tập huấn tại Tây Ban Nha trong 4 tuần rất tốt, có tiến triển về thể lực. Trong thời gian tập huấn tại Tây Ban Nha, đội tuyển đã có 3 trận thi đấu giao hữu với các câu lạc bộ nữ của Tây Ban Nha. Đây là các câu lạc bộ có chất lượng và phù hợp với trình độ cũng như công tác chuyên môn cho giải sắp tới, giúp cho các vận động viên có thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu.
Tuy nhiên, sau trận tập huấn thứ 3, Đội tuyển nữ Quốc gia nhận được thông tin từ phía 1 câu lạc bộ cho biết có 2/3 cầu thủ đội bạn dương tính với Covid-19. Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 8/1/2022 đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã tiến hành các thủ tục cần thiết và phát hiện 4 cầu thủ và 2 bác sĩ dương tính với Covid-19.
Mặc dù toàn đội đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng số ca nhiễm tăng từng ngày do Đội vẫn duy trì kế hoạch tập luyện.
Các cán bộ Đội tuyển và Ban huấn luyện luôn bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với Lãnh đạo Liên đoàn để có các quyết định và biện pháp kịp thời. Cụ thể, các cán bộ triển khai các biện pháp dân gian về phòng chống dịch như gom mua số lượng lớn tỏi, gừng, dầu gió... để dùng cho các thành viên xông 3 tiếng/lần, hoa quả, vitamin C, mật ong... để tăng sức đề kháng. Có những em xông nhiều quá chảy máu mũi, nhưng cố gắng làm mọi cách để nhanh chóng khỏi bệnh.
Với việc hầu hết các thành viên đội tuyển đều mắc Covid-19, trong đó có đến 17/23 vận động viên, dẫn đến việc Đội tuyển đối mặt với khó khăn và thách thức rất lớn khi chỉ còn 6 VĐV đủ điều kiện bay sang Ấn Độ theo kế hoạch.
Đối diện với muôn vàn khó khăn tưởng chừng có nguy cơ không đủ vận động viên để thi đấu, nhưng với sự quan tâm, động viên kịp thời từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, cùng các kiều bào, Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia đã từng bước khắc phục khó khăn, các vận động viên, ban huấn luyện cùng cố gắng ổn định sức khỏe, quyết tâm tham dự Giải đấu.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc toàn đội có nhiều thành viên mắc Covid-19 trước thềm tham dự Vòng Chung kết tưởng chừng là khủng hoảng khó có thể tham dự giải đấu, dẫn đến việc thay đổi nhiều trong kế hoạch cũng như chiến lược đề ra ban đầu.
Thời tiết tại Ấn Độ đêm lạnh ngày nóng, thời gian thi đấu các trận quyết định đều vào buổi trưa, 13h và 13h30 khi nhiệt độ nắng nóng, ảnh hưởng rất lớn đến thế lực của VĐV, đặc biệt đối với các VĐV vừa mới phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Cho đến trận đấu đầu tiên ngày 21/1, đội Việt Nam đã đủ điều kiện tham dự giải (17 cầu thủ). Mặc dù 14 cầu thủ có mặt tại Ấn Độ vào chiều ngày 20/1 sức khỏe sau COVID-19 còn chưa hồi phục cộng với việc không được tập luyện trong suốt thời gian cách ly dài, nhưng với sự nỗ lực của các cầu thủ cũng như sự tính toán hợp lý của Ban huấn luyện, đội đã quyết tâm thi đấu qua từng trận đấu…
Thời tiết nắng nóng, thể lực chưa bình thực với con người phụ nữ Việt Nam thấp bé nhưng chúng ta đã kiên cường đánh bại đối phương với tầm vóc to cao và có thể lực tốt.
"Chúng tôi luôn luôn đề cao tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu của người phụ nữ Việt Nam. Chính vì thế, từ những lúc chúng ta không thể tưởng tượng nổi, gặp muôn vàn khó khăn nhưng qua từng trận đấu, chúng ta đã trưởng thành để năm 2023, chúng ta dự World Cup", HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Vận động viên Huỳnh Như, Đội trưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam phát biểu cho hay, mặc dù năm nay ăn Tết xa gia đình, nhưng hôm nay, Đội tuyển đã được trở về, trong vòng tay của các bác lãnh đạo và cả nước. Đó là niềm tự hào, vinh dự đối với từng thành viên của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam.
Có thể nói hành trình Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam được tham dự chung kết World Cup ly kỳ, hấp dẫn hơn cả những bộ phim Holywood.
Cùng với sự giảng dạy của HLV Mai Đức Chung, Ban huấn luyện giống như người cha, người mẹ luôn chăm sóc cho các thành viên của Đội tuyển trong những lúc khó khăn. Đó là tình cảm như một gia đình thực sự. Chính điều đó đã mang về thắng lợi cho Đội tuyển.
"Nhân dịp này, chúng tôi xin hứa luôn luôn giữ vững tinh thần của người phụ nữ Việt Nam trong tập luyện và thi đấu để cố gắng mang về thành tích vinh quang cho Việt Nam", Đội trưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam bày tỏ.
"Tôi sẽ gọi là những cô gái kim cương và huấn luyện viên kim cương"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mọi người vẫn gọi các cầu thủ bóng đá nữ là "những cô gái vàng của thể thao Việt Nam" khi đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường quốc tế trong thời gian vừa qua.
Với những thành tích, sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc để lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia của chúng ta giành được quyền tham dự World Cup 2023, tôi sẽ gọi là những "cô gái kim cương" và "huấn luyện viên kim cương" của thể thao Việt Nam, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam.
Những ngày đầu của Xuân Nhâm Dần, chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá nam và nữ được ví như món quà may mắn đầu Năm Mới, lan tỏa năng lượng tích cực đến người hâm mộ cả nước.
Thủ tướng nhắc lại, hôm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Đội tuyển Bóng đá nam và biểu dương, ghi nhận thành tích cao của hai đội tuyển. "Hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi chân thành cảm ơn và xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, xin nhiệt liệt biểu dương toàn thể Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Mai Đức Chung và Ban huấn luyện".
Thủ tướng cho biết, có mặt ở đây, không chỉ Đội bóng mà còn có nhiều cơ quan, bộ, ngành, một số doanh nghiệp và sự quan tâm của cả xã hội, nên Thủ tướng mong muốn chúng ta quan sát thực tế, thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vất vả của Đội tuyển Bóng đá nữ để có những giải pháp trước mắt, lâu dài đối với sự phát triển của bóng đá nữ nói riêng và các môn thể thao thi đấu, không chỉ là thể thao đỉnh cao nói chung.
"Chúng ta cần có giải pháp để làm sao sau khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên để tôn vinh những tập thể và cá nhân xuất sắc thì cuộc sống của những vận động viên được đảm bảo, nhất là sau khi giải nghệ".
Thủ tướng nhấn mạnh: "Vì sao tôi gọi là những "cô gái kim cương" của thể thao Việt Nam? Chúng ta thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các em đã trải qua để cống hiến cho nền bóng đá nữ nước nhà.
Tôi muốn nhấn mạnh tới cả hành trình từ lúc đến với bóng đá đến thực tế cuộc sống của những vận động viên sau khi giải nghệ. Thật sự chúng ta cần suy nghĩ".
Khó khăn đầu tiên là các em phải vượt qua được định kiến vì sự nghiệp "quần đùi, áo số" thông thường chỉ dành cho nam giới và những rủi ro nghề nghiệp các em phải đối mặt.
Nhiều em có mặt ở đây hôm nay đã rất khó khăn để thuyết phục được cha mẹ, khó khăn vượt qua định kiến của xã hội về phụ nữ đá bóng. Chưa kể thời gian tập luyện, xa nhà cũng là bất tiện lớn. Nếu không có bản lĩnh, sự đam mê, ý chí cháy bỏng, chắc chắn các em đã không thể tham gia được.
Khía cạnh thứ hai, khi chọn bóng đá là nghề nghiệp, các em phải đối mặt với vất vả của cuộc sống khi đồng lương còn eo hẹp, thậm chí không đủ trang trải cuộc sống.
Lương cơ bản các em nhận được khoảng 5 triệu/tháng, có khi còn thấp hơn. Vì vậy, nhiều em đã phải làm thêm nghề phụ để kiếm sống, để theo đuổi đam mê như bán hàng online, làm nông nghiệp…
Thực tế trăn trở nữa là khi các em giải nghệ, không phải ai cũng may mắn có được cuộc sống, nghề nghiệp với thu nhập ổn định. Nhiều em cống hiến cả tuổi trẻ cho bóng đá, sau trở về cuộc sống đời thường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do không có việc làm, thu nhập bấp bênh như bán hàng, làm ruộng, kinh doanh nhỏ lẻ…
Trong thực tế, bóng đá nữ dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, còn nhiều bất cập… Hành trình từ khi đến với bóng đá đến khi giải nghệ, thu nhập để trang trải cuộc sống của các em là điều tất cả chúng ta đều trăn trở, suy nghĩ về sự cống hiến, quan tâm và chế độ đãi ngộ với các em.
Vì sao tôi gọi là những "cô gái kim cương" của thể thao Việt Nam? Nhìn lại những gì các em phải đối mặt và thành tích các em đạt được, chúng ta rất ngưỡng mộ và đánh giá cao.
Trong khó khăn, các em đã vươn lên để khẳng định mình. Các em đã thi đấu với hoàn cảnh đặc biệt, thời điểm đặc biệt trước các đối thủ lớn.
Thủ tướng chia sẻ: Tôi biết có những cầu thủ đã khóc khi Tết không được đoàn tụ gia đình. Tôi biết, các em ước mong từng ngày về nước để được gặp mẹ cha, người thân… Và hoàn cảnh trớ trêu khác nữa là đúng vào thời điểm chuẩn bị thi đấu, đa số các thành viên Đội tuyển bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên gặp rất nhiều khó khăn do sức khỏe, thể lực chưa kịp hồi phục.
Hơn thế nữa, các em phải luyện tập thi đấu với áp lực cao trong thời tiết nắng nóng. ''Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Các em đã vượt qua tất cả để mang vinh quang cho Tổ quốc, mang niềm vui, sự ngưỡng mộ của người hâm mộ, truyền cảm hứng cho mọi người dân Việt Nam.
Hình ảnh những cô gái bé nhỏ, ướt đẫm mồ hôi, chạy mải miết trên sân cỏ rộng lớn để thi đấu với các đối thủ cao lớn hơn, có kinh nghiệm hơn vẫn in đậm trong mỗi chúng ta.
Thủ tướng nhấn mạnh: Vì sao tôi gọi Huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung là "huấn luyện viên kim cương" của thể thao Việt Nam?
"Anh Chung là người có công rất lớn và được lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận là người đã ghi danh bóng đá nữ Việt Nam trên bản đồ bóng đá nữ thế giới.
Hình ảnh của huấn luyện viên trưởng tài năng, gần gũi, thân thiện chỉ bảo cho học trò đã ghi dấu ấn đậm nét đối với mỗi người yêu bóng đá Việt Nam.
Cuộc sống của bóng đá nữ còn gặp nhiều khó khăn luôn là nỗi niềm của anh Chung. Tôi hiểu anh Chung luôn trăn trở, hiểu rõ nhất sự vất vả và thương các học trò của mình. Bên cạnh tài năng, anh Chung còn là người có trách nhiệm, có trái tim cao đẹp và ý chí, bản lĩnh với bóng đá Việt Nam, có tấm lòng và sự truyền cảm hứng, truyền niềm tin đến các thế hệ cầu thủ bóng đá nữ mới có thể tạo nên được thành tích như ngày hôm nay.
Hình ảnh huấn luyện viên kiên trì, kiên nhẫn theo bóng đá nữ Việt Nam bao nhiêu năm qua có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của bóng đá Việt Nam.
Thủ tướng chia sẻ: "Tôi biết năm nay HLV Mai Đức Chung đã 71 tuổi, nên sự dẫn dắt đội bóng hiện nay là một sự cố gắng và cống hiến rất lớn của anh Chung, trong điều kiện sức khỏe của anh".
Kết quả này phản ánh bước tiến vững chắc của bóng đá nữ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang là Đội vô địch SEA Games nhiều nhất ở khu vực. Để có được những "trái ngọt" đó, chúng ta ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, của Ban huấn luyện; của Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các cán bộ, bác sĩ, y tá, của gia đình, người thân, các câu lạc bộ nơi cầu thủ thi đấu, của sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và sự cổ vũ, chia sẻ, cảm thông của người hâm mộ.
Tôi cũng đưa ra một tin vui là trong những ngày gần đây, xã hội đã dành tình cảm và sự lan tỏa rất lớn về thành tích của đội bóng đá nữ Việt Nam. Đó là sự cảm thông, chia sẻ, ngưỡng mộ và niềm tin đối với đội bóng. Đây là những giá trị tinh thần không gì có thể so sánh được mà người hâm mộ dành cho "huấn luyện viên kim cương" và những "cô gái kim cương" của chúng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta cũng rất quan tâm, tự hào, vui mừng trước kết quả của chúng ta. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thể thao nói chung và với bóng đá nữ nói riêng.
Thủ tướng cho biết, ông chia sẻ những điều này để muốn nói lên thông điệp: Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến bóng đá nữ.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ban, ngành ban hành chính sách để phát triển bền vững, đẩy mạnh bóng đá phong trào, bóng đá trường học, tăng cường đào tạo tài năng trẻ tại các câu lạc bộ, các địa phương.
Bộ Tài chính nghiên cứu có thể thành lập Quỹ phát triển bóng đá nữ với cơ chế hoạt động minh bạch, đúng quy định của pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực tài chính phát triển bóng đá nữ.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, định hướng phát triển bóng đá nữ cho các câu lạc bộ, các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động.
Trước sự có mặt của các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ để phát triển nền bóng đá nước nhà nói chung và đặc biệt là bóng đá nữ nói riêng.
Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện Văn phòng Chính phủ trao 4,5 tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa); Ủy ban Olympic Việt Nam trao 3,6 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam trao 2 tỷ đồng; Tập đoàn TH trao 1,5 tỷ đồng (bao bồm 1 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật) tặng Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam.