Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai sử dụng Mobile-Money… Một loạt những giải pháp được nêu trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 28/10.

Đến năm 2025 thanh toán không tiền mặt gấp 25 lần GDP

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

 Hạn chế thanh toán không tiền mặt. Ảnh minh hoạ

Trong đề án này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm.

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80% năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35%-40%/năm. "Tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%" - đề án nêu rõ.

Tại Đề án, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó phải hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan).

Đồng thời, Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán (theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) để đảm bảo thẩm quyền quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các hệ thống thanh toán, các dịch vụ và phương tiện thanh toán, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.

Bộ TT&TT hoàn thiện, ban hành các quy định về định danh và xác thực điện tử; ban hành quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành quy định, hướng dẫn cho phép các tổ chức liên quan được kết nối, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giao dịch điện tử, an ninh mạng, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người dùng,... nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp để tiếp tục khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt góp phần vào việc quản lý thuế.

Thúc đẩy triển khai các mô hình kinh doanh mới

Chính phủ cũng cho biết sẽ hoàn thành xây dựng, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo lập khung pháp lý, thúc đẩy triển khai các mô hình kinh doanh, hợp tác mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Về phía quyền lợi của người dùng, sẽ thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý.  Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Chính phủ chủ trương sẽ thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như nghiên cứu, triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán, cho phép các tổ chức không phải ngân hàng triển khai hoạt động đại lý thanh toán.  

"Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile- Money)" - Chính phủ nêu rõ trong đề án này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần