Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.
Hiện, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20-21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%.
Theo các chuyên gia, vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô doanh nghiệp logistics quá nhỏ… là những lý do khiến ngành logistics chưa thể bứt phá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiềm năng để ngành logistics ở Việt Nam đang có đà phát triển rất lớn. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics. Vấn đề là các doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không.
Vận tải chiếm 59% chi phí Logistics tại Việt Nam
Chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, ở Việt Nam, khoảng 59%.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông diễn ra sáng ngày 16/4.
Tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, cụ thể tỷ lệ này tại các nước như sau: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%.
Hiện nay, đối với từng mặt hàng khác nhau chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Ví dụ, mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí 1%. Hàng may mặc xuất khẩu chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%.
Gạo xuất khẩu chi phí vận tải chiếm 58%, lưu kho chiếm 10%, xếp dỡ 24%, đóng gói 7% và cảng phí chiếm 1%; cây ăn trái chi phí vận tải chiếm 61%, lưu kho 14%, xếp dỡ 20%, đóng gói 5% và cảng phí là 1%.
Theo đánh giá sơ bộ, cơ cấu chi phí chủ yếu của các phương thức vận tải hàng hóa trong tổng chi phí vận tải bao gồm: chi trực tiếp (Khấu hao, tiền lương công nhân vận hành, nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng) chiếm từ 60% đến 80%; chi phí gián tiếp (Chi phí quản lý điều hành, lệ phí cầu đường, bến bãi, chi phí khác...) chiếm từ 20% đến 40%.
Do kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ, chưa khai thác được hiệu quả của vận tải đa phương thức, cũng như việc sử dụng các loại phương tiện vận tải chưa tối ưu nên giữa vận tải đường bộ và các loại hình vận tải khác có sự chênh lệch về chi phí.
Theo khảo sát sơ bộ, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh khoảng 35 triệu VNĐ, cao gấp hơn 02 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 03 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Đối với vận tải quốc tế, do phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng tàu nước ngoài và do tập quán mua CIF bán FOB nên giá cước vận tải trong nhiều trường hợp chịu sự áp đặt của các hãng tàu nước ngoài.
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đi biển xa, trên 50% lượng hàng vẫn phải trung chuyển qua nước khác nên phát sinh thêm chi phí.
Thực tế này cho thấy vai trò quan trọng của logistics đối với nền kinh tế của mõi quốc gia. Việc giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả của logistics sẽ có những tác động tích cực, mạnh mẽ đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia.