Thủ tướng: Hạn chế thủy điện nhỏ để tránh việc chiếm rừng, phá rừng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải hạn chế thuỷ điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng.

Sáng 2/11, Quốc hội đã dành gần toàn bộ thời gian buổi sáng để thảo luận tổ về kinh tế-xã hội. Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy, gây ra thiệt hại rất lớn về con người và tài sản. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tổ. 
Nguyên nhân chính các vụ sạt lở do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, trong khi đó, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu. Dẫn chứng từ vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn và vụ sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam), các ngọn núi đều ở khá xa khu dân cư, không có thủy điện...
Dẫn thực tế mưa lũ gây tác hại ở nhiều nơi, Thủ tướng cho rằng tác hại của thiên nhiên rất lớn, cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng, “Tây Nguyên không thể thành sa mạc mà Tây Nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”.
Thủ tướng cũng cho rằng, phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc chiếm rừng, phá rừng. “Những công trình thuỷ điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là cần rất hạn chế”, Thủ tướng nói.
Cũng tại phiên thảo luận, nhắc lại quá trình phòng chống Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã làm đồng bộ, quyết liệt, đưa ra phương châm, cách làm phù hợp, chống dịch như chống giặc, linh hoạt cách phòng chống từng đợt, do đó thực hiện mục tiêu kép thành công.
Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta đưa ra phương châm thực hiện mục tiêu kép chống dịch nhưng vẫn lo phát triển kinh tế. Với tinh thần như vậy, chúng ta đã được toàn thế giới đánh giá cao về cách làm”.
Cho rằng, dịch Covid-19 vẫn phức tạp, không thể chủ quan vì châu Âu đang tiếp tục đóng cửa nhiều thủ đô, Thủ tướng lưu ý, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm. Do vậy, mặc dù khát khao phát triển rất lớn nhưng Chính phủ quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam.
“Nếu bình thường, năm nay đón 21 triệu khách du lịch quốc tế, ta sẽ có doanh thu trên 60 tỷ USD, nhưng năm nay ta gần như bằng không. Nhưng chúng ta chấp nhận để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấp nhận kiểm soát tốt dịch bằng cách không đưa khách du lịch nước ngoài vào từ nay đến cuối năm, dù quyết định này bị phản đối”, Thủ tướng chia sẻ.
Tuy nhiên, chúng ta tạo điều kiện đưa nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý, công nhân lành nghề vào làm việc, có sự kiểm soát và cách ly.

Cũng tại phát biểu thảo luận, chỉ ra các tồn tại và khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay hụt thu gần 200.000 tỷ đồng. Quảng Nam hụt thu gần 4.000 tỷ vì du lịch gần như đóng cửa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng hụt thu lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Một loạt các doanh nghiệp gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là người dân ở đô thị mất việc làm nhiều.

Nhìn nhận các gói hỗ trợ của chúng ta về lãi suất, hoãn, cơ cấu lại nợ trong ngân hàng được triển khai tốt, nhưng Thủ tướng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp được triển khai chưa tốt, Chính phủ đã đã sửa đổi quy định, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có khát vọng tốt hơn, vươn lên chứ không để tình trạng quy mô kinh tế thấp. Được như vậy, nhân dân phải có sự tin tưởng, dồn sức cho phát triển. Thủ tướng khẳng định Nhà nước rất quan tâm đến đời sống nhân dân, gắn với phát triển các ngành trọng điểm để thúc đẩy kinh tế.