Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: "Không phải vì nhiều vụ kỷ luật mà chúng ta chùn bước trong phát triển"

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế-xã hội ngày 2/7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển.

Không để bức xúc xã hội kéo dài

Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị 
“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”, Thủ tướng chia sẻ để các bộ, ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ “không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước”.
“Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho biết, năng lực sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng với trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn. Điều đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đã phát gần 22 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác.
Thủ tướng cho rằng:  "Chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng".
Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ…
Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”.
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Ngoài ra, tồn tại nữa là phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu, do đó, theo Thủ tướng, cần thảo luận vì sao yếu, vì sao chậm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”, do đó, cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.

GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,08%

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại hội nghị về tình hình kinh tế xã hội, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 7,08% trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước tăng vượt bậc, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,07%, đóng góp 48,9% vào mức tăng trưởng chung, trong đó riêng công nghiệp tăng 9,28%, ngành xây dựng tăng 7,93%; Khu vực dịch vụ tăng 6,9%, tương đương mức cùng kỳ năm 2017 (6,89%), đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2017; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,37% so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ.

Thanh khoản thị trường tài chính, tiền tệ được đảm bảo; mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tăng trưởng ở mức vừa phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.

Về thu, chi ngân sách nhà nước: Tính đến hết tháng 6/2018, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 651.720 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3%.

Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP.

Trong tháng 6/2018 cả nước có 12.209 doanh nghiệp đựợc thành lập mới với số vốn đăng ký là 132.108 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 26% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 64.531 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng ước đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%.

Trong 6 tháng đầu năm, có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6.629 doanh nghiệp tăng 21,8%.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn diện

về đăng ký thành lập mới doanh nghiệp từ ngày 01/8/2018

Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội tăng cao

Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với các nhận định, đánh giá về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018.

Về kết quả về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch cho biết, ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai quyết liệt, trọng tâm là triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thành phố đã xây dựng kế hoạch số 34 và đã triển khai thực hiện nghiêm túc 150 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố: 22 nhiệm vụ đã hoàn thành; 126 nhiệm vụ đang trong gian thực hiện; 2 nhiệm vụ giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai chưa hoàn thành và sẽ báo cáo Thủ tướng trước 10/7.

Chủ tịch cũng cho biết, môi trường đầu tư của Hà Nội tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Chỉ số PCI năm 2017 tăng 01 bậc, xếp thứ 13/63; Chỉ số Cải cách hành chính tăng 01 bậc, đứng vị trí 2/63. Vốn đầu tư xã hội đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,915 tỷ USD, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại đầu cầu Hà Nội

Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đã có 12,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 48% về vốn so với cùng kỳ; đã công bố chính thức 1.915 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; có 515 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 27,5% (trong đó 170 dịch vụ công trực tuyến mức 4).

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán, tăng 18,7%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chug cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ và 188 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 34 của UBND Thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Triển khai chính sách hỗ trợ toàn diện về đăng ký thành lập mới doanh nghiệp từ ngày 01/8/2018 (sau khi HĐND Thành phố thông qua chính sách).

Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố; tiếp tục thực hiện việc số hóa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu cốt lõi: dân cư, đất đai, doanh nghiệp, cán bộ công chức,...;

Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông sản; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất, chống thất thu thuế xuất, nhập khẩu; chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án trọng điểm.

Đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch, quy chuẩn kiến trúc xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch; Tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông; đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa, cung cấp nước sạch trong mùa hè.

Nhân dịp này, Thành phố Hà Nội đề xuất: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…). Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.

Đề xuất Chính phủ cho Thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số các lĩnh vực khác.

“Và nếu được đồng ý mỗi năm, Thành phố trước mắt sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.