Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

 Ảnh: VGP.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đều nhất trí cho rằng, những chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải bảo đảm nguyên tắc chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên. Quan điểm này cần được quán triệt từ khâu đề xuất chủ trương, đàm phán, ký kết cũng như thực hiện. 
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về việc phân định giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển trong các dự án ODA còn chưa rõ ràng. Chi cho đầu tư phát triển thường được nói tới là chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là “phần cứng”. Tuy nhiên, chi cho “phần mềm” như các dự án tăng cường năng lực, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, rất cần thiết, chi cho con người, cũng cần được xem là chi đầu tư phát triển.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của ODA đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là đối với phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực bộ máy. “Khi chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì năng lực xây dựng thể chế, năng lực bộ máy rất quan trọng”, Thủ tướng nhất trí cho rằng, không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm cũng quan trọng. Thời gian qua, công tác quản lý ODA có nhiều tiến bộ, chặt chẽ hơn tuy nhiên, còn tồn tại bất cập, hạn chế.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Phải chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn. Rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua ô tô.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến rằng phải có tiêu chí rõ ràng hơn đâu là chi đầu tư phát triển, đâu là chi thường xuyên trong các dự án ODA. Phải làm rõ các khái niệm này, không để nhầm lẫn, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm rõ khái niệm này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các chương trình, dự án ODA và các hiệp định đã ký từ năm 2017 về trước cần thực hiện theo Nghị quyết 49 của Quốc hội. Các cơ quan chủ quản chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, không phù hợp, chưa cần thiết để làm sao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và trên cơ sở thống nhất với các nhà tài trợ; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các khoản vay ODA mới chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vốn ODA trong giai đoạn tới, lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ.