Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Hành chính Quốc gia

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Học viện Hành chính Quốc gia gắn liền với vấn đề cải cách hành chính, với vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số. Và Học viện phải xây dựng theo hướng học viện điện tử, gắn với Chính phủ điện tử ở Việt Nam”.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Hành chính quốc gia vào sáng ngày 8/6.
Tại buổi lễ, Thủ tướng nhìn nhận, 60 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia, trung tâm quốc gia về đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học về hành chính, quản lý nhà nước, không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, cán bộ, công chức cho hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống chính trị. Nhiều học viên đã trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý uy tín, giữ trọng trách trong các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Những kết quả nghiên cứu của Học viện về khoa học hành chính, về lãnh đạo quản lý đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước xây dựng những chủ trương, chiến lược, chính sách về cải cách hành chính, công vụ, công chức cũng như tư vấn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp về hành chính, chính sách.
Cho rằng Học viện đã có tinh thần đoàn kết, quyết tâm mới trong thời gian gần đây, Thủ tướng nêu rõ, “đoàn kết thống nhất là một tín hiệu rất vui với tất cả chúng ta ở Học viện Hành chính quốc gia”.
Cùng nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển Học viện, Thủ tướng cũng nhắc tới nỗ lực, đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo trong đó có các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về quản lý hành chính, tiêu biểu như cố GS. Mai Hữu Khuê, cố GS. Đoàn Trọng Truyến, GS.TS Vũ Huy Từ, GS. Nguyễn Duy Gia, GS. TS Bùi Thế Vĩnh và rất nhiều nhà giáo ưu tú có mặt tại buổi lễ.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cho các quốc gia nhiều cơ hội và thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh cần có những thay đổi trong quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ, không bỏ mất cơ hội và không nằm ngoài tiến trình phát triển của thế giới.
Quản trị quốc gia phải tạo được động lực, khởi nguồn cho các ước mơ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên thế hệ doanh nhân, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm phòng truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia.
Muốn xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả, phục vụ theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì trụ cột quan trọng nhất chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, có đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới phải có tinh thần khởi nghiệp, tạo sự lan tỏa và ủng hộ cái mới, sự sáng tạo và tạo lập những điều kiện cần thiết cho tinh thần khởi nghiệp.
Trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nguồn nhân lực cho khu vực công cần phải đổi mới, đổi mới quyết liệt và đổi mới sâu sắc hơn nữa. Học viện Hành chính Quốc gia không được phép bằng lòng với những gì đã đạt được mà cần phải vươn lên với tinh thần đổi mới, đột phá.
“Học viện Hành chính quốc gia gắn liền với vấn đề cải cách hành chính, với vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số. Và Học viện phải xây dựng theo hướng học viện điện tử, gắn với Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh mới, Thủ tướng đề nghị Học viện cần tập trung một số nhiệm vụ. Một là, phát triển Học viện Hành chính quốc gia gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bồi dưỡng kiến thức cần song hành với bồi dưỡng nhân cách, chú trọng hình thành và phát triển tư duy quản trị hành chính phù hợp với yêu cầu xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Đảng, Nhà nước, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân.
 Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Hành chính Quốc gia.
Theo Thủ tướng, hiện nay, hệ thống hành chính nhà nước các cấp, tuy có nhiều đổi mới, phục vụ nhân dân song không ít cán bộ, công chức vẫn còn tư duy hành chính xin cho, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính chậm được cải tiến, người dân, doanh nghiệp còn kêu ca… Vì vậy, thông qua công tác đào tạo, Học viện cần phải chuyển tải, khơi thông và truyền bá tư duy hành chính liêm chính, hành chính phục vụ, hành chính kiến tạo trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nước ta.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu Học viện cần đổi mới toàn diện chương trình, tài liệu bồi dưỡng, trang bị những kiến thức, kỹ năng mà cán bộ, công chức cần phải có để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Giáo trình, tài liệu của Học viện phải thực sự là cẩm nang tri thức quản lý đối với mọi cán bộ, công chức. Đồng thời Học viện phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong bồi dưỡng cán bộ, công chức bằng các hình thức đào tạo phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi lúc có thể tiếp cận bồi dưỡng kiến thức quản lý sát thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, đào tạo sau đại học cần góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà quản lý có tư duy đổi mới, tiên phong, có tri thức quản lý khoa học, có khả năng ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại vào hoạt động công vụ, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đào tạo sau đại học cũng phải nâng cao chất lượng hơn nữa để góp phần phát triển nhân lực cho khu vực công, không được học để lấy cái bằng, lấy cái danh mà cần thực chất hơn, đóng góp cho cơ quan, đơn vị công tác nhiều hơn.
Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn. Nghiên cứu khoa học cần gắn liền với thực tiễn công tác đào tạo bồi dưỡng của Học viện, đồng thời đưa ra những dự báo, tư vấn về chính sách quản lý hành chính cho Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải nắm chắc thực tiễn hơn nữa, sát thực tế hơn nữa, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng. Sau mỗi khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, mỗi cán bộ công chức, viên chức phải có sự phát triển mới về năng lực, trình độ, kỹ năng và động lực công tác để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan mình, góp phần phát triển nền hành chính quốc gia.
Đối với các học viên, sinh viên của Học viện, Thủ tướng đề nghị cần tranh thủ thời gian, tận dụng mọi điều kiện để học, để đọc, nghe, trao đổi, thảo luận, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để vận dụng vào hoạt động thực tiễn, xử lý đúng các tình huống công việc, trở thành cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và bộ máy chính quyền các cấp.
Với tư cách là một học viên cũ của Học viện, Thủ tướng gửi lời tri ân sâu sắc tới các thầy giáo, cô giáo và “mong tất cả chúng ta, những người đã từng công tác, học tập tại Học viện, dù ở cương vị nào cũng luôn cố gắng, phát huy tài năng, sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước - đó cũng là hành động cần thiết để xây dựng hình ảnh, vai trò, uy tín của Học viện Hành chính Quốc gia thân yêu của chúng ta trong hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước”.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Hành chính Quốc gia.