Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không nói nhiều thành tích, hãy đi thẳng vào yếu kém để khắc phục”

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn yêu cầu các đại biểu dự hội nghị không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục...

Sáng 6/5, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành.
 Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là 1 trong 4 hội nghị quan trọng trong năm được Thủ tướng và 3 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo nhằm khơi thông các vướng mắc để tạo thêm động lực cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà trong nhiều năm tới.
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ đưa ra các khuyến nghị, cơ chế, chính sách và giải pháp để nhằm có các bước đột phá, phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng; đồng thời tháo gỡ các hạn chế, khắc phục những mặt còn tồn tại.
Chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng, nhằm xem lại những mặt được và chưa được trong thời gian qua, phát huy thế mạnh phát triển vùng nhưng đồng thời phải tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những "điểm nghẽn".
Hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành; Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành; phía Nam gồm 8 tỉnh, thành và Đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành. Bốn vùng vùng kinh tế trọng điểm này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm trên 27% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP cả nước.
Riêng vùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP. Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy vùng hội tụ phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác.
Tăng trưởng GDP bình quân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 8,34%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.
Theo Thủ tướng, đây là vùng duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm 2020 nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Cho biết bối cảnh tình hình năm nay nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, giá cả thế giới, đặc biệt là xăng dầu, có sự biến động, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xung đột chính trị ở một số khu vực, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, vùng cần nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh kinh tế, các vấn đề xã hội cũng cần được quan tâm xử lý.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các học giả, chuyên gia, các nhà cung ứng vốn, nhà đầu tư cần thảo luận, cho ý kiến để làm sao vùng kinh tế trọng điểm phía nam đi đúng hướng, tiếp tục khẳng định là một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước, phải tiếp tục là đầu tàu, đầu kéo của cả nước trong bối cảnh khó khăn như đã nêu.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, trước hết phản ánh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, “những mục tiêu đã đề ra thực hiện đến đâu, có khả năng hoàn thành hay không, trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, kiến nghị sửa đổi gì”. Bên cạnh đó, cũng cần nêu các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân rút ra trong triển khai thực hiện để năm 2019 là năm “bứt phá”, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng nêu rõ "không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020".
Trong chuyến công tác tại Đồng Nai này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm hai mẹ liệt sĩ tại địa phương là cụ Ngô Bạch Tuyết (79 tuổi) xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa và cụ Nguyễn Thị Thu (100 tuổi) ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa.

Theo Quyết định 252/QĐ-TTg, tầm nhìn đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía nam là vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế… GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD.