Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm loại bỏ “giấy phép con”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm loại bỏ “giấy phép con” theo đúng thời hạn luật định, dù việc thực hiện quyết tâm này đang đứng trước sức ép rất lớn. Chính phủ, Thủ tướng đã quyết tâm làm bằng được phần việc khó để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 25/4 để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, việc thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh trở thành vướng mắc lớn nhất được nhắc đến. Đây vừa là nội dung cải cách nổi bật nhất trong Luật Đầu tư, cũng là một trong hai trọng tâm cải cách được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu tiên ngày 25/4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu tiên ngày 25/4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Làm được những yêu cầu này, quyền tự do kinh doanh của người dân sẽ được mở rộng rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành đang đứng trước áp lực rất lớn trong công tác này. Áp lực trước hết đến từ khối lượng công việc rất lớn với thời gian còn lại rất hạn hẹp. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng, trong khi theo thống kê của Bộ KHĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh tại hàng trăm thông tư của các bộ ngành. Nhiều Bộ trưởng thừa nhận việc xây dựng các nghị định đang gặp rất nhiều khó khăn, còn Bộ KHĐT nhận định phần lớn các nghị định sẽ không kịp ban hành vào thời điểm 1/7.

Không chỉ có vậy, Chính phủ đã đặt yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, rà soát, bãi bỏ điều kiện không cần thiết, sửa đổi các điều kiện không hợp lý, kém hiệu lực, hiệu quả, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư, đơn giản hóa các điều kiện… Nghĩa là không chỉ hợp pháp hóa các điều kiện kinh doanh, không chỉ thuần tuý chuyển một cách cơ học từ thông tư lên nghị định mà còn phải cải thiện về chất các điều kiện ấy.

Khó khăn với Chính phủ còn nằm ở nhận thức của nhiều cơ quan và không ít cán bộ, công chức. Bộ KHĐT từng lên tiếng bày tỏ sự “quan ngại đặc biệt” trước tình trạng nhiều bộ ngành vẫn tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh.

Đứng trước những khó khăn rất lớn như trên, đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xin lùi thời hạn đến sau ngày 1/7, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Những ý kiến này xuất phát từ một thực tế, là trong trường hợp Chính phủ không ban hành kịp các nghị định còn các thông tư đã hết hiệu lực, sẽ xuất hiện “khoảng trống pháp lý”. Về nguyên tắc, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhằm mục đích vì bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng, nếu “khoảng trống pháp lý” xuất hiện, các yếu tố trên có thể bị xâm hại.

Tuy nhiên, Thủ tướng đã không lựa chọn giải pháp ấy. Ông nêu rõ: Không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và việc ban hành nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7/2016, đúng thời hạn luật định.

Rõ ràng là trong khi Chính phủ đang khẳng định tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh, thì quyết tâm và lựa chọn hành động của Thủ tướng là vô cùng cần thiết. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là thành quả rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Một bên là những khó khăn rất lớn nếu quyết tâm thực hiện Luật đúng thời hạn và một bên là kỳ vọng cũng rất lớn lao của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Người dân và doanh nghiệp vẫn nhớ lời cam kết của Thủ tướng tại phiên họp đầu tiên, đó là Chính phủ sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức, đồng thời nâng cao kỷ cương phép nước. Nếu chỉ vì những khó khăn, những sức ép mà xin lùi thời hạn thi hành các quy định về điều kiện kinh doanh, thì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân nhất định sẽ bị ảnh hưởng.

Vụ việc quán cà phê Xin Chào đang khiến dư luận quan tâm, trong bản chất sâu xa cũng liên quan đến các quy định về điều kiện kinh doanh nằm tại cấp thông tư. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhận xét, nếu các điều kiện kinh doanh không đưa vào trong nghị định, vẫn ở trong thông tư, thì “nhiều doanh nghiệp lại có thể là người bán phở”. Cái dễ cho cơ quan nhà nước sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, cho toàn xã hội.

Đúng như Thủ tướng đã nhấn mạnh, “chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì hai Luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian”. Ý kiến kịp thời của Thủ tướng trong vụ việc quán cà phê Xin Chào đã được dư luận rất ủng hộ, nhưng rõ ràng, việc dừng hình sự hóa một vụ việc dễ dàng hơn nhiều so với khối lượng công việc rất lớn mà các cơ quan Chính phủ phải làm trong hai tháng tới. Việc rất khó, nhưng không thể không làm và Chính phủ, Thủ tướng đã quyết tâm làm phần việc khó để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân.