Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẽ thu hút FDI chọn lọc hơn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tổng kết 30 năm, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút FDI chọn lọc hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà đầu tư. Ảnh: VGP
Tranh thủ nguồn lực FDI, nâng cao tính tự chủ
Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn ĐTNN luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Nhìn lại chặng đường 30 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ DN FDI mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là điều rất quý và đặt câu hỏi liệu nước ta có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực. Ông yêu cầu cần có giải pháp tổng thể, quyết tâm cao trong thời gian tới.
Đó là, hợp tác ĐTNN là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
“Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn ĐTNN để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực TP, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Sẽ ban hành chương trình hành động
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều biến đổi, đan xen cơ hội và thách thức, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, ông yêu cầu các bộ ngành chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác ĐTNN và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Ngoài ra, cần hoàn thiện khung pháp luật, tương thích một số luật phù hợp các cam kết quốc tế, các hiệp định FTA thế hệ mới, nâng tầm nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ.... Từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo DN ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi; Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ĐTNN giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
“Các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút ĐTNN”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào sự phát triển. “Cảm ơn các nhà đầu tư tin tưởng VIệt Nam, lựa chọn Việt Nam, cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển của VIệt Nam. Sự thành công của của niềm tự hào của chúng tôi”, ông nói.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cơ quan, tập thể, cá nhân, các DN FDI có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, các địa phương, DN, nhà đầu tư đã trao các văn kiện hợp tác đầu tư.