Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị đánh giá thẳng thắn, đúng mức, đặc biệt là về hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu: từ những tồn tại, hạn chế, cần phải được chỉ rõ, phân tích nguyên nhân. “Nhất là những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan tới vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng cho rằng: “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”. Vì vậy, vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý bảo vệ rừng phải được đặt ra, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chế tài thế nào, mạnh mẽ ra sao, kịp thời ra sao cần đặt ra. Thủ tướng cũng gợi ý các ý kiến cần bàn giải pháp làm sao nâng cao đời sống người dân tham gia bảo vệ rừng. Cần cho ý kiến về những giải pháp tốt hơn cho người dân đủ sống, tránh cuộc sống bấp bênh. Tinh thần là địa phương có rừng phải sống được bằng nghề rừng. Đặc biệt là tình trạng di dân tự do cần được đặt ra để bàn, để hạn chế tình trạng phá rừng, nhất là ở Tây Nguyên. Về lâu dài tính bài toán kinh tế nào để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững chứ không phải cứ cấm đơn thuần…Nhiều đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ rừng
Nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp.Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho rằng, cần thiết tăng giá dịch vụ rừng trong giao khoán bảo vệ rừng. Cho phép đưa diện tích có cây tái sinh vào dịch vụ môi trường rừng. Đại diện tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, nên giao quyền chủ động trồng rừng cho từng địa phương. Đồng thời, cho phép thử sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và Chi cục kiểm lâm nhằm tăng cường công tác quản lý. Những đề xuất của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hòa cho rằng, cần kiên quyết không cho phép chuyển đất rừng ven biển sang mục đích khác. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh kiến nghị: Cần có phần mềm quản lý thông tin (như ngành thuế) từ T.Ư đến địa phương, từ đó xác định được ai là người chịu trách nhiệm. Theo ông Ninh: Thực tế hiện nay có tình trạng chỉ ra được diện tích rừng bị mất, nhưng lại không quy được trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân nào. Ông Ninh cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách di dời dân đang sinh sống trong rừng, nhằm giảm tác động đến môi trường rừng. Riêng tại Đắk Lắk hiện vẫn còn gần 5.000 hộ dân với khoảng 25.000 nhân khẩu đang sống trong rừng...Kiến nghị của TP Hà Nội đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng: Đề nghị Bộ NN&PTNT quy định cụ thể cơ chế báo cáo, phối hợp giữa Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ với các cơ quan chuyên môn địa phương về lĩnh vực lâm nghiệp. Vì theo Luật bảo vệ và phát triển rừng thì vườn quốc gia là một chủ rừng, nhưng lại là cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn các địa phương. Do đó công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung như: Hoạt động du lịch sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng,… không được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đặc biệt, vấn đề quy hoạch các vườn quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT chưa có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương nên rất khó phát hiện các hoạt động vi phạm quy hoạch.
Không để sự phát triển gây tổn hại tới tài nguyên rừng
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau cuộc làm việc với các tỉnh Tây Nguyên thì tình hình phá rừng đã được hạn chế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, có nơi rất nghiêm trọng. Nguyên nhân đầu tiên vẫn là ý thức trách nhiệm, vấn đề quy hoạch còn chưa rõ ràng, chưa có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Nhất là gắn quy hoạch phát triển rừng với các quy hoạch phát triển có hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch bảo vệ phát triển rừng chưa tốt.Phó Thủ tướng đề nghị không được giảm diện tích rừng. Nơi nào giảm thì phải trồng bù nơi khác. Gắn bảo vệ phát triển rừng với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân. Không để người dân sống nhờ rừng gặp khó khăn. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần gắn các quy hoạch phát triển với quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế sử dụng đất rừng, các công trình đầu tư xây dựng trên diện tích rừng. Làm rõ nguồn lực về bảo vệ phát triển rừng. Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế chính sách, để kêu gọi người dân tham gia bảo vệ rừng. Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất đóng cửa rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ việc canh tác cây trồng trên đất rừng. Phát triển mạnh rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Giám sát chặt chẽ các công trình hạ tầng, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, văn hóa du lịch…, nhất là các nhà máy thủy điện, liên quan tới sử dụng đất rừng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không cấm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, bao gồm cả thủy điện. Tuy nhiên, không để sự phát triển gây tổn hại tới tài nguyên rừng.Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra vi phạm
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay: Diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng còn phổ biến tại nhiều địaphương. Vân còn địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không theo quy hoạch. Cùng với đó, năng lực quản lý Nhà nước, ý thức trách nhiệm của một bộ phận còn chưa hiệu quả, còn bị buông lỏng.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, nhận thức về quản lý và bảo vệ rừng cần phải thay đổi. Các cấp ủy chính quyền và người dân các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung. “Đối với những địa phương để xảy ra vi phạm rừng nghiêm trọng, cần xử lý người đứng đầu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới,Thủ tướng chỉ đạo: Tăng cường quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Quan tâm hơn tới giải pháp ngăn chặn chặt phá rừng. Chú trọng trồng mới rừng và không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Quan tâm tạo sinh kế gắn với bảo vệ, phát huy giá trị rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kiểm soát chặt chẽ việc giao đất rừng cho các tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án. Tạm dừng chuyển mục đích rừng tự nhiên nghèo. Trước khi triển khai cải tạo rừng ven biển, cần có đánh giá tác động.
Theo Thủ tướng, rừng trồng sẽ là hướng phát triển lâu dài. Theo đó, các bộ ngành các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi hủy hoại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng mục đích. Giải quyết triệt để tình trạng di dân tự do, gắn với tạo sinh kế bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dịch vụ chi trả rừng. Từng bước khôi phục diện tích rừng phòng hộ, trong đó có rừng phòng hộ ven biển…
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp kiểm tra đôn đốc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, chú ý ngăn chặn, chấm dứt hợp thức hóa những khu vực “đất rừng vàng”. Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện; Đối với các dự án không trồng rừng thay thế và có tác động lớn tới môi trường, dân sinh… thì kiên quyết không cấp phép. Bộ Thông tin& Truyền thông tăng cường thông tin về các trường hợp vi phạm rừng để tạo hiệu ứng sâu rộng nâng cao nhận thức, tạo sức răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng…