Thủ tướng: Nông nghiệp là mỏ vàng, nếu không biết khai thác thì sẽ cạn kiệt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2020 đã được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. Đây là lần thứ 3 người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề đặt ra với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại. Ảnh: Quang Hiếu
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ ngành T.Ư, các địa phương đã cùng lắng nghe và giải đáp nhiều vấn đề các đại biểu nông dân đặt ra. Đồng thời, gợi mở nhiều định hướng về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
Nông nghiệp là mỏ vàng
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với những vấn đề được nông dân đặc biệt quan tâm tại cuộc đối thoại, chúng ta sẽ có những giải pháp, xây dựng chính sách giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và sẽ cùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp, báo cáo Chính phủ những vấn đề đặt ra tại hội nghị.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. “Có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là có sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam, đặc biệt là hơn 9 triệu lao động nông nghiệp. Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo lo cho gia đình, cuộc sống, đóng góp cho nền nông nghiệp những thành quả to lớn để đạt kim ngạch xuất khẩu lớn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng bên lề hội nghị đối thoại với nông dân. Ảnh: Quang Hiếu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dồn sức đầu tư cho tam nông, với nhiều chương trình hỗ trợ từ hạ tầng đến xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, nhất là các chương trình hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai…
“Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống không được nâng cao, thì đó chưa phải là hùng cường” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới như: cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè… nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực. “Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt” - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Tránh bệnh quan liêu, xa rời nông dân
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công nghệ. “Nông nghiệp 4.0 giờ không còn xa lạ nữa. Nếu chúng ta còn không hiểu cuộc cách mạng đó thì không thực hiện hiệu quả được” - Thủ tướng nhận định.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cùng Chính phủ đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân tại cuộc đối thoại. Ảnh: Quang Hiếu
Giải quyết vốn tín dụng cho nông dân là vấn đề cấp thiết. Cùng với đó cần có phương án giảm, hoãn nợ vay cho những hộ nông dân ở những vùng bị thiên tai; giải quyết các vướng mắc về đất đai, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiệu quả tình trạng một số nông lâm trường phát canh thu tô, gây khó khăn cho sản xuất của bà con.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa đối với bà con trong việc sản xuất, học tập, tự làm giàu cho mình và xã hội. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Các bộ ngành, nhất là Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn. 
Các bộ ngành T.Ư cần tạo điều kiện để các chính sách, chế độ đến với bà con nông dân tốt hơn. Muốn thế, lãnh đạo phải tránh bệnh quan liêu, xa rời bà con. Các bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình bám sát các vấn đề bà con nông dân đưa ra để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò là nòng cốt của lực lượng nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và bà con để kịp thời giải quyết vướng mắc, ví dụ như vấn đề dạy nghề, tạo việc làm…
“Chính phủ sẽ mở các kênh lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, kiến nghị của nông dân, giúp bà con phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống, xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.