Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dù khó khăn đến mấy cũng phải kiên định mục tiêu “trồng người”

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 28/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/TP và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cùng đại diện các đơn vị sở, ngành, phòng, ban thuộc TP. 
Khắc phục khó khăn, giữ vững chất lượng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Đứng trước những yêu cầu mới, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học với 9 kết quả nổi bật: Hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT; Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn; Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên; Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
 Hình ảnh toàn cảnh Hội nghị
Trong năm học tới, Bộ GD&ĐT đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, Hà Nội xác định 6 giải pháp, đó là: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc dạy, học theo kế hoạch năm học; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học;  đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên…
TP Hà Nội kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ban ngành một số vấn đề như: Sớm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp quận, huyện, thị xã; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP; có hướng dẫn để bảo đảm việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT căn cứ trên quy mô trường, lớp, học sinh; hướng dẫn chuyển đổi mô hình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù các dự án trường học tại các quận nội thành không còn quỹ đất được tăng mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm phù hợp với từng địa bàn, tính chất theo từng dự án.
Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Dù dịch bệnh còn phức tạp; dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải kiên định với mục tiêu “trồng người”.
Đánh giá cao kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là kết quả cao trong kỳ thi Olympic quốc tế 2021 và những cố gắng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Thủ tướng mong rằng trong năm học tới, ngành Giáo dục sẽ cùng quyết tâm, nỗ lực để đạt được những kết quả cao hơn.
Đặt vấn đề về việc được trở lại trường học là mong ước chính đáng của giáo viên và học sinh, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có chính sách đảm bảo tổ chức năm học mới an toàn gắn với tiêm vaccine. Việt Nam đang tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để ngoại giao vaccine. Chúng ta có chiến lược vaccine rất đúng và đang đẩy mạnh, trong đó tính đến vaccine cho trẻ em.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Dựa trên cơ sở khoa học, quy định về độ tuổi, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ cần xem xét vaccine nào được nhiều nước tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để khi nhập về có thể phân bổ và tiêm. Với trẻ dưới 12 tuổi, nếu có vaccine phù hợp, Bộ Y tế sớm tiếp cận, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong nước để thời gian tới có vaccine tiêm cho các cháu. Bộ GD&ĐT tính toán nhu cầu, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh…
Theo Thủ tướng, song song với kế hoạch tiêm, các nhà trường cần có trang thiết bị, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch để học sinh trở lại trường an toàn. Trường ở “vùng xanh” cho học sinh trở lại trường sớm với những biện pháp sàng lọc, kiểm soát phù hợp. Trường ở “vùng vàng, vùng đỏ” tổ chức dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong đó lưu tâm đến học sinh khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành Giáo dục sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm học tới; quyết tâm khắc phục tồn tại hạn chế, thực hiện thành công đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Năm học mới, ngành Giáo dục sẽ tập trung cho việc triển khai các biện pháp cấp bách như đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh lên giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học; trong đó ưu tiên triển khai việc dạy và học linh hoạt, thích nghi với các tình hình khác nhau của các vùng miền; tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả; đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 1 và lớp 2; phối hợp bộ ngành, địa phương triển khai hỗ trợ với giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, triển khai tiêm vaccine cho giáo viên và học sinh; đảm bảo trường học mở cửa sớm nhất có thể...
"Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, toàn thể giáo chức, học sinh, sinh viên sẽ ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021- 2022" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.