Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Học trực tuyến là giải pháp tạm thời, cũng là công việc chuyển đổi số trong giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến. Chương trình được thực hiện online tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT cùng 63 điểm cầu tại các địa phương trên toàn quốc.

Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành như: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.. Tại điểm cầu địa phương có Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh/TP chủ trì.
Hỗ trợ 3 cấu phần: Thiết bị, đường truyền và phần mềm
Hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/TP đang học trực tuyến, ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp; trong đó tổng số học sinh chưa có máy tính, cần được hỗ trợ là 1,5 triệu học sinh. Hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ
“Sóng và máy tính cho em” là một chương trình lớn do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước.
Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nội dung hỗ trợ của chương trình gồm 3 cấu phần: Hỗ trợ sóng internet, máy tính và phần mềm dạy học trực tuyến. Theo kế hoạch, trong tháng 9/2021, phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Trong năm 2021, phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. 
 Các đại biểu tại lễ phát động điểm cầu Bộ GD&ĐT
Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến: Giai đoạn 1 (trong năm 2021): Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023): Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến gồm: Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Tại lễ phát động đã huy động được hơn 1 triệu máy tính bảng cho học sinh.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ý nghĩa của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, ở các vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến….
Lan tỏa lòng nhân ái
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa an toàn trường học. An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước nhưng vẫn phải học tập. Học tập phải an toàn. Tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi khi dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ của các cháu như chưa được cắp sách đến trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô… Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức và phát triển toàn diện của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, khi cha mẹ các cháu không có người chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày theo quy định, theo luật pháp, theo công việc. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Tôi được biết, để thực hiện được chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu cũng không học trực tuyến được, thua thiệt, tủi thân với bạn bè.

Dịch bệnh  ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai. 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chương trình Sóng và máy tính cho em có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc
Thủ tướng cho biết: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc; ngoài hỗ trợ các học sinh; chương trình còn góp phần tiến tới phủ sóng internet; nâng cao chất lượng sóng; nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội; chuyển đổi số… Tiếp cận máy tính cho trẻ em là hấp dẫn, mở ra chân trời bổ ích nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy nếu gia đình, nhà trường không có biện pháp định hướng, giải pháp đề phòng thì sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề không đáng có. Chương trình sẽ mang đến băng thông internet giá rẻ, nền tảng từ xa, hỗ trợ hàng chục triệu máy tính cho học sinh; vì vậy mong địa phương, cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân với tinh thần “tương thân tương ái”, đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức
Thủ tướng ghi nhận bộ ngành địa phương hưởng ứng chương trình, biểu dương DN, tổ chức, cá nhân dù gặp nhiều khó khăn nhưng sẵn lòng ủng hộ chương trình ngay lập tức.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn, việc tiêm vaccine cho trẻ em 12 tuổi trở lên cần sớm thực hiện và nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi; dùng mọi hình thức, mọi biện pháp để có vaccine tiêm cho trẻ em.
 Các đại biểu tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ tham dự lễ phát động
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TT&TT là đầu mối phối hợp Bộ GD&ĐT và các địa phương đảm bảo có sóng cho học sinh; đảm bảo hỗ trợ máy tính công khai, minh bạch, hiệu quả; huy động tổ chức cá nhân tiếp tục thực hiện, ủng hộ chương trình. Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương thống nhất nền tảng học, đáp ứng yêu cầu nền tảng kiến thức, thống nhất giữa học và dạy trực tuyến với các chương trình học trên truyền hình.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã quan tâm và có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực; Bộ TT&TT đã hỗ trợ, đồng hành với ngành giáo dục; các đơn vị, bộ ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã chung tay cùng ngành giáo dục vượt qua khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hoạt động hỗ trợ, quyên góp thể hiện tinh thần nhân ái, là hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương; hỗ trợ cho cả một thế hệ, giảm bớt gánh nặng xã hội chục năm sau; đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính là sự kết nối bền chặt hơn giữa người với người; kết nối vùng miền, kết nối hiện tại với tương lai
Thay mặt hàng triệu học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xin cảm tạ và bày tỏ lòng biết ơn đối với các Bộ, ban, ngành địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể đã hỗ trợ chương trình. Bộ trưởng xin hứa sẽ triển khai thực tế hiệu quả, phối hợp tiếp nhận điều phối kịp thời, đúng đối tượng; công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chú ý điều chỉnh phương pháp dạy- học, nội dung sao cho phù hợp; chú ý các biện pháp để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, trong đó có hỗ trợ tâm lý, giảm khó khăn cho cha mẹ học sinh; phối hợp Bộ Y tế để sớm vaccine cho học sinh và mở cửa trường học sớm nhất; đồng thời nỗ lực học tốt, dạy tốt để đáp lại tấm lòng của Thủ tướng và của toàn xã hội.