Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống dịch cũng phải bằng tinh thần toàn dân

Duy Chí - Việt Hùng - Võ Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bây là giờ ưu tiên chống dịch bằng tinh thần “toàn dân chống giặc Covid-19”.

Chống dịch bằng “sức mạnh toàn dân”
Sau khi đến kiểm tra tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ ngành, cùng cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương đã đến thăm hoạt động phòng chống dịch tại Công ty cổ phẩn Sữa Việt Nam (Vinamilk), KCN Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Đây là doanh nghiệp lớn, hiện có 15 nhà máy trải dọc cả nước với khoảng 10.000 lao động.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhờ thường xuyên làm công tác tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, phổ biến kinh nghiệm và giải pháp phòng tránh, đồng thời với trang bị phương tiện bảo hộ; giãn cách lao động, tạo ý thức chủ động phòng chống dịch trong toàn hệ thống. Từ đó, toàn bộ hệ thống nhà máy và người lao động của Vinamilk đã bảo đảm an toàn và duy trì tăng trưởng ổn định.
Bình Dương hiện có 29 KCN với diện tích 12.670ha, với 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng số lao động ước khoảng 1,2 triệu người đến từ tất cả các tỉnh thành cả nước. Trong đó, có khoảng 14.900 lao động là người nước ngoài. Có nhiều nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm. Bình Dương tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh công nghiệp lân cận với lượng người, phương tiện, hàng hóa trao đổi qua lại rất cao mỗi ngày. Nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh ca bệnh xâm nhập vào Bình Dương. Từ các giải pháp chỉ đạo kết hợp kiểm tra kịp thời, đã có 85% doanh nghiệp có mức độ an toàn về phòng, chống dịch bệnh.
Qua điều tra dịch tễ đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Bình Dương cho thấy, những ca bệnh được phát hiện tập trung tại 8 ổ dịch có nguồn gốc từ TP Hồ Chí Minh với biến chủng virus Ấn Độ. Tỉnh đã thành lập 34 cơ sở cách ly tập trung, khả năng đáp ứng từ 4.000 đến 10.000 giường, có khả năng mở rộng lên quy mô 20.000 đến 30.000 giường khi có yêu cầu.
Toàn tỉnh Bình Dương có 3.000 người (F1) cách ly tập trung và 8.000 người (F2) cách ly tại nơi cư trú. Tỉnh đang thành lập khu điều trị mới bệnh nhân Covid-19 tại thị xã Tân Uyên trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 200 giường, có khả năng tăng lên 1.000 giường. Thời gian tới, Bình Dương kêu gọi sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, nhất là về khoa học công nghệ trong phòng chống dịch.
 Thủ tướng thăm hỏi, biểu dương đội ngũ thầy thuốc đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần, sự chuẩn bị phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Dương: "Cần nghiên cứu và nếu đủ điều kiện thì cho phép các trường hợp F1 được cách ly tại nhà có sự giám sát của địa phương. Để bảo đảm an toàn chuỗi sản xuất, người lao động nên ở lại doanh nghiệp để kiểm soát và làm tốt công tác phòng chống dịch".
Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong nguy có cơ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại lao động, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm an toàn". Từ đó Thủ tướng chỉ đạo: "Chúng ta có khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”. Giặc là dịch Covid-19. Nước ta có truyền thống đánh giặc toàn dân, thì chống dịch cũng phải bằng tinh thần toàn dân!”
Ưu tiên thực hiện mục tiêu kép
Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với truyền thống và tinh thần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP ước tăng 7,23%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 47,2%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 43,4%. Sản xuất công nghiệp tăng 8,23%. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 10,7%. Thu hút được 1,4 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 65% và vốn đăng ký kinh doanh tăng trên 91%.
 Tổ ''An toàn Covid-19'' đã giúp 85% doanh nghiệp an toàn trog phòng chống dịch bệnh. Ảnh căng tin giãn cách và giãn thời gian, giảm số lương người ăn tại doanh nghiệp
Tỉnh Bình Dương đang tổ chức sắp xếp lại các trạm thu phí giao thông; phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến đường xảy ra ùn tắc. Bước đầu đã được Nhân dân, doanh nghiệp đồng tình. Tỉnh đã cùng các bộ, ngành, địa phương tiên quan nghiên cứu cơ chế đầu tư đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Vành đai 3, vành đai 4; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, tạo cảnh quan và chống ùn tắc đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT 743, 746, 747. Phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, chăm lo tốt đời sống người dân.
Đặc biệt, bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động hoạt động ổn định và trở lại hoạt động bình thường khi dịch bệnh được khống chế. Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, tạo niềm tin, sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng. Phòng chống dịch an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy sức mạnh toàn xã hội.
Cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép ''Chống dịch và phát trển kinh tế'' là rất khó khăn, Bình Dương cần phát huy tinh thần năng động sáng tạo ''Đẩy lùi nguy cơ, nắm bắt thời cơ''.
Để triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ kế hoạch, giải quyết khó khăn, sớm ổn định tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: "Thực hiện thành công nhiệm vụ kép Phòng chống dịch đi đôi với phát triển Kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này chúng ta nắm vững tinh thần linh hoạt, uyển chuyển trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, xác định mức độ ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Hiện nay, nhiệm vụ ưu tiên phải làm là phòng chống dịch.
Khi dịch bệnh lắng xuống thì phải phát huy ngay nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần đẩy mạnh liên kết ứng dụng khoa học công nghệ để biến nguy thành cơ, mở rộng quan hệ hợp tác. Cơ cấu lại đầu tư công, phải để phát huy giá trị như vốn đầu tư cho hạ tầng phải thu lại được từ phát triển đô thị, sẽ tạo ra sức mạnh để phát triển".