Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Bệnh viện dã chiến 18.000 giường ở TP Thủ Đức

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra Bệnh viện dã chiến 6, 7, 8, 9 ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Theo đó, bệnh viện vừa hoàn thành sáng nay và chính thức đón bệnh nhân từ 15 giờ cùng ngày.

Trong chuyến làm việc lần này, Đoàn công tác của Thủ tướng tới kiểm tra Bệnh viện dã chiến vừa thiết lập tại Khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Theo đó, Bệnh viện dã chiến 6, 7, 8, 9 điều trị Covid-19 tại TP Thủ Đức đặt tại lô R6, khu tái định cư 38,4ha (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Cụ thể, Bệnh viện dã chiến 6, 7, 8, 9 vừa hoàn thành sáng nay, có công suất dự kiến khoảng 18.000 giường.
Báo cáo với Thủ tướng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, để chuẩn bị ứng phó cho tình huống xấu, Sở đang lên kế hoạch cho kịch bản tiếp nhận 50.000 ca bệnh. Đến nay, 36.000 giường đã sẵn sàng.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thông tin, mỗi phòng điều trị F0 có từ 4-6 bệnh nhân. Thủ tướng nhận định dù điều trị F0 không cần tiêu chuẩn giãn cách quá cao nhưng cũng cần lưu ý.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 6, 7, 8, 9 ở TP Thủ Đức. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC)
"Tổ chức thế nào không lây nhiễm từ bệnh nhân ra. Nếu lây nhiễm từ bệnh nhân ra là thất bại" - Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cùng Đoàn công tác Chính phủ đã lần lượt đi kiểm tra phòng điều hành, phòng cấp cứu bệnh nặng và khu điều trị A4 (đang chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân). R1 có 4 khu A1, A2, A3, A4 với tổng số 6.000 giường, trong đó khu A4 có 1.556 giường.
Sau bệnh viện dã chiến, Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở một số nơi.
Chiều cùng ngày 11/7, Đoàn công tác của Thủ tướng tiếp tục đến kiểm tra phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Khu vực này được UBND TP Thủ Đức phong tỏa từ 0 giờ ngày 6/7 cho đến khi có thông báo mới.
Khu vực bị phong tỏa gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố với diện tích 351 ha, có 12.008 hộ dân và 34.750 nhân khẩu. Riêng diện tích thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh không thuộc phạm vi phong tỏa.
Lúc 15 giờ, Thủ tướng tiếp tục di chuyển tới Bệnh viện Vinmec (quận Bình Thạnh) để kiểm tra công tác xét nghiệm của đơn vị này. Sau đó, đoàn đến kiểm tra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Savipharm tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).
Thủ tướng đánh giá quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của TP Hồ Chí Minh là khó khăn nhưng cần thiết và đúng hướng. TP Hồ Chí Minh xem xét lại toàn bộ các công việc phòng chống dịch của TP để bổ sung hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình trong phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt trong đó quan tâm đến đời sống người lao động và các doanh nghiệp bị tác động bởi việc giãn cách.
Chuyến làm việc của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 của TP Hồ Chí Minh đã vượt 12.000 (tính đến trưa 11/7). Dịch lây lan sang nhiều tỉnh ở khu vực phía Nam. Nhiều tỉnh phải áp dụng Chỉ thị 15, 16 và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đoàn công tác của Thủ tướng có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Hai tuần trước đó, ngày 26-27/6, Thủ tướng đã có chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Khi đó, số ca mắc Covid-19 tại TP mới vượt mốc 3.000.
Thủ tướng yêu cầu cung cấp bộ xét nghiệm nhanh cho TP Hồ Chí Minh; thí điểm cách ly F1 tại nhà; không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm sản xuất, phê duyệt vaccine nội để đưa vào sử dụng…
TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine Covid-19 như thế nào trong thời gian giãn cách xã hội?
Ngày 11/7, Bộ Y tế yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần tổ chức tiêm vaccine Covid-19 hợp lý, không để người dân phải ra khỏi nhà nhiều và tránh tập trung đông người trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, giãn cách xã hội toàn TP.
 Nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vaccine Covid-19 cho người dân TP
Theo đó, việc tiêm chủng được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế...) và cần bố trí tiêm vaccine theo các khung giờ khác nhau để đảm bảo giãn cách xã hội và giảm thời gian chờ đợi cho người dân.
Bên cạnh đó, TP cần tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ với các xe tiêm lưu động.
Bộ Y tế điều tới TP 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vaccine, bàn tiêm... Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này thì sang hẻm khác.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin - truyền thông đã cho ra đời ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.
Bộ Y tế cho biết thêm, dự kiến trong tháng 7 này sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và vaccine sẽ được ưu tiên dành cho TP và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.
Hôm qua 10/7, 1,5 triệu liều vaccine Moderna trong tổng số 2 triệu liều mà Mỹ hỗ trợ Việt Nam qua cơ chế COVAX đã về tới Hà Nội và được vận chuyển ngay tới TP Hồ Chí Minh (1 triệu liều) và các tỉnh Nam Bộ (500.000 liều).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần