Sáng 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An về vấn đề kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói có 5 bài học kinh nghiệm lớn.
Kinh nghiệm thứ nhất là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Các chính sách được triển khai hướng tới người dân, ngươc lại, người dân tham gia tích cực, chủ động trong công tác chống dịch.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng nêu vấn đề, khi triển khai chính sách "lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài" trong đợt bùng phát dịch tại TP HCM, một số nơi lại hiểu pháo đài là lô cốt, nên bao vây, gây ắc tắc.
Kinh nghiệm thứ hai là huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba là cách ứng phó linh hoạt. "Tất nhiên có chỗ này, chỗ kia nhưng các địa phương đã ứng phó một cách linh hoạt trong giai đoạn dịch bệnh, dù đây là việc chưa có tiền lệ" - Thủ tướng nói. "Ví dụ khi nhận thấy năng lực y tế yếu, chúng ta ngay lập tức điều quân đội, công an giúp chống dịch. Tôi cho đây là kinh nghiệm rất tốt".
Tiếp theo là bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ tổng kết việc này, bởi đây là chính sách giúp người dân yên tâm tham gia chống dịch.
Một bài học cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra là "không quên huy động sự giúp đỡ của quốc tế". Khi Việt Nam thiếu vaccine, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc gặp, trực tiếp hay gián tiếp, đều kêu gọi vaccine. "Vaccine là vũ khí quan trọng ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta đã dùng mọi biện pháp, từ mua bán, nhượng, vay vaccine. Chúng ta cũng chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước", Thủ tướng cho biết.
Hiện nay quá trình phát triển vaccine đang được thúc đẩy rất tích cực, tuy nhiên quản lý nhà nước chỉ làm thủ tục hành chính cho nhanh, gọn hơn. Về mặt chuyên môn, Thủ tướng cho rằng nên tin tưởng các nhà chuyên môn tại hai hội đồng độc lập, là hội đồng đạo đức và hội đồng cấp phép. "Vấn đề an toàn với vaccine là rất quan trọng" - Thủ tướng nói.
Vì sao việc phân bổ vaccine thời gian đầu "chưa được công bằng lắm"?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu phức tạp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trước thực tế này, các cấp ngành địa phương đã quyết liệt vào cuộc, nỗ lực khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với đó là áp lực về an sinh xã hội ở khu vực này. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp, cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh khu vực này? Và cơ chế chính sách giúp phát triển đồng bằng sông Cửu Long để người dân an cư lạc nghiệp trên chính quê hương của mình?
Theo Thủ tướng, đại biểu Thanh đã nêu ra vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta thấy hiện tượng dịch chuyển thị trường lao động. Tuy nhiên, vấn đề không bình thường ở đây đó là quản lý nhà nước còn sơ hở. Cho nên sự dịch chuyển của người dân từ thành phố về các tỉnh như đồng bằng sông Cửu Long đã gây áp lực cho các tỉnh.
Về việc giải quyết “áp lực” trên, Thủ tướng nêu giải pháp Trung ương và địa phương phải phối hợp với nhau để xem xét lại năng lực y tế. Việc này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh thành ở khu vực này.
Vấn đề khẩn cấp thứ hai phải làm, theo Thủ tướng, là tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Vừa qua, chúng ta nói “công bằng, nhưng cũng chưa được công bằng lắm” là vì vaccine của chúng ta ít, nên chúng ta phải ưu tiên cho các đối tượng, địa bàn dịch bệnh phức tạp. Cho nên đồng bằng sông Cửu Long lúc đầu chưa được ưu tiên nhiều. Nhưng sau đó, khi các địa bàn như TPHCM, các tỉnh miền Đông khống chế được dịch bệnh rồi thì chuyển vaccine về khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về quyết sách mang tính căn cơ cho khu vực này, theo Thủ tướng, tạo sinh kế cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là quyết định. Mà muốn tạo được sinh kế, công ăn việc làm thì nút thắt hiện nay chính là hạ tầng. Hạ tầng ở đây là giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng vế y tế - giáo dục.
Việc giải quyết vấn đề này, vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 120, tuy nhiên Nghị quyết này muốn đi vào cuộc sống thì phải có cơ chế, chính sách. Chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để xin các cấp có thẩm quyền, trong đó có Quốc hội.