Cùng đi có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Trong chuyến thăm và làm việc, Thủ tướng đã đi kiểm tra thực địa tại ga S9- Kim Mã, sau đó di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot này.
Sau khi kiểm tra thực địa, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội để nghe báo cáo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Dự án đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, được UBND TP Hà Nội khởi công vào tháng 9/2010. Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Hiện tại, dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.
Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến sẽ vận hành với tốc độ khai thác thương mại trung bình 35 km/h và có 8 đoàn tàu cùng hoạt động, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp.
Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Hiện nay, chủ đầu tư đang trình UBND TP Hà Nội xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án.
Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, đoạn tuyến trên cao của dự án cần được hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 12/2022; và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.