Theo đó, Thủ tướng đã phân công 8 Bộ chủ trì soạn thảo 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 6 nghị định và 9 thông tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 4 nghị định; Bộ Công an 7 nghị định và 4 thông tư; Bộ Quốc phòng 2 thông tư; Bộ Y tế 1 nghị định; Bộ Công Thương 1 nghị định và 1 thông tư; Bộ Xây dựng 1 nghị định và 2 thông tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo 5 nghị định.
Trong đó có một số văn bản như: Nghị định quy định chi tiết về tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Nghị định quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan...
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định quy định chi tiết các nội dung được luật giao, trình Chính phủ.
Đồng thời, ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công xây dựng, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng Thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ...