Tham dự cuộc họp tại các đầu cầu phía TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các Bộ trưởng dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ.Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị TP Hồ Chí Minh áp dụng 3 hình thức giãn cách Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần cho TP mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp Thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng khuyến nghị TP Hồ Chí Minh áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn Thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm BV Chợ Rẫy, BV nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV 115, BV Nhân dân Gia Định.Bộ trưởng cho biết, trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.Kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với các đầu việc cụ thểBáo cáo phương án chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, TP Hồ Chí Minh đã khảo sát, đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến. Những ngày qua, TP đã khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại một số thời điểm ở một số điểm bán, siêu thị; tổ chức các điểm bán hàng hỗ trợ, đi chợ thay, gia tăng mua sắm trực tuyến…TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị khoảng 400 xe taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. Thay đổi phương thức làm việc cho các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn, số lượng người làm việc tại các công sở không quá 1/3, riêng lực lượng vũ trang và y tế duy trì 100% quan số.Tận dụng tối đa 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với các đầu việc cụ thể, triển khai theo từng ngày để giao nhiệm vụ trực tiếp cho lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai.TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.Cam kết cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huốngBộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành công thương xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phối hợp cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngay chiều 7/7, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này do một Thứ trưởng đứng đầu. “Xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng, Bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phân luồng, phân tuyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch, Bộ đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra…Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, Bộ đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các cấp, các cơ quan triển khai nhanh nhất các khoản chi thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bổ sung hơn 7.650 tỷ đồng mua thêm 61 triệu liều vaccine… Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an đã tính toán các phương án, tình huống bảo đảm an ninh trật tự khi dịch kéo dài, tác động mạnh nhiều mặt tới đời sống xã hội và sẽ phối hợp tốt nhất với các cơ quan, địa phương trong công tác này.Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8/7. Hiện có gần 100 kỹ sư công nghệ thông tin tại Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 24/24h. Một số ứng dụng đã nhanh chóng được phát triển để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ bấy nhiêuTrước kiến nghị chi viện nhân lực của TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định tinh thần “TP Hồ Chí Minh thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”, Bộ phối hợp chặt chẽ, trao đổi rất cụ thể với Thành phố để chi viện, tăng cường lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: TP Hồ Chí Minh thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, khi thực hiện giãn cách xã hội đối với thành phố 10 triệu dân, việc rất quan trọng là cung ứng hàng hóa, giúp giảm thời gian, hạn chế di chuyển cho người dân. Vấn đề nữa là cần duy trì sản xuất phải đáp ứng được điều kiện bảo đảm an toàn. Hệ thống chính quyền cơ sở phải kịp thời phát hiện người dân gặp khó khăn, thiếu thốn để hỗ trợ ngay.Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã rất quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Thành phố cần quyết tâm, thống nhất cao hơn nữa. Việc chi viện cho TP Hồ Chí Minh cần căn cứ vào yêu cầu thực tế, tập trung đầu mối chỉ đạo thống nhất các hoạt động hỗ trợ nhân lực, vật tư, máy móc… trên cơ sở rà soát nguồn lực 4 tại chỗ của Thành phố. Việc triển khai hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho người dân là hết sức quan trọng.
Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, có trọng tâm trọng điểmKết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần.Thủ tướng cơ bản đồng tình với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại cuộc họp, với quyết tâm và đồng thuận rất cao, trên tinh thần đoàn kết thống nhất, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan tiếp thu các ý kiến, xây dựng văn bản chỉ đạo sau cuộc họp theo tinh thần ngắn gọn, đơn giản, rất cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, rõ việc, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Căn cứ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các văn bản, quy định, hướng dẫn chung, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, TP Hồ Chí Minh và các bộ ngành cùng vào cuộc, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực để đạt mục tiêu đề ra.Nhấn mạnh thêm một số nội dung, tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh, sự vào cuộc của các bộ, các ngành, sự hưởng ứng của nhân dân, nhờ đó TP đã đạt một số kết quả nhất định trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự họp tại đầu cầu TPHCM. Ảnh VGP/Đình |
Ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa TP Hồ Chí Minh trở lại bình thườngVề quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thống nhất quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép nhưng trong lúc này, TP Hồ Chí Minh ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa Thành phố trở lại bình thường. Những nơi an toàn, điều kiện cho phép phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không cực đoan cũng không chủ quan, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.Quan điểm thứ hai, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, ổn định tình hình. Xem khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, phấn đấu, khẳng định và trưởng thành. Phải bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh để thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp đã đề ra nhưng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình cụ thể. Việc chống dịch lần này ở TP Hồ Chí Minh là chưa có tiền lệ, phải bám sát tình hình thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Về các vấn đề chuyên môn, các bộ ngành phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, kịp thời và điều chỉnh thường xuyên nếu tình hình thay đổi.Thứ ba, phải rà soát, điều chỉnh, tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chỉ thị 16, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau, tránh bỏ sót nhiệm vụ. Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh hằng ngày với TP Hồ Chí Minh và yêu cầu các Bộ trưởng dành thời gian, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.Thủ tướng yêu cầu, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành phải nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn trong tình hình mới. Các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của Thành phố; các Bộ trưởng quyết định ngay theo thẩm quyền được giao, không xin ý kiến nhiều.Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực. Tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về biến chủng mới của virus để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả.Về các thủ tục, quy định, tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần. Quan trọng nhất là vì lợi ích chung, vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết;...Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế ở TP Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng triển khai hết sức linh hoạt để không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu.Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn ở các cấp, các ngành. Với các ổ dịch lớn, trên cơ sở các kinh nghiệm đã tích lũy được, phải có biện pháp, giải pháp khoanh vùng thật nhanh, thật gọn, giải quyết dứt điểm, nghiên cứu các cách làm mới trên cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm an toàn cho người dân. Đẩy mạnh công tác vận động, khuyến cáo người dân tích cực thực hiện đúng các giải pháp phòng chống dịch. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phòng chống dịch và đẩy mạnh chuyển đổi số.Chỉ thị 16 hạn chế tối đa di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp hết sức tỉ mỉ với TP Hồ Chí Minh để phân luồng, phân tuyến căn cứ vào tình hình dịch tễ từng khu vực, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng không gây ách tắc giao thông.Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Y tế là cần chuẩn bị cho phương án cao hơn, có thể đến 50.000 ca mắc; đồng thời lưu ý bệnh viện là pháo đài chống dịch, không để lây lan dịch bệnh từ bệnh viện. Còn có ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải tháo gỡ ngay vướng mắc, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”.Lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ Covid-19 cộng đồng để giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội, thực hiện đúng yêu cầu của Chỉ thị 16, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Song song với kêu gọi, vận động nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp: Hành chính, biện pháp kỹ thuật và các biện pháp khác để quản lý thật chặt, “đã giãn cách phải thực hiện nghiêm”. TP Hồ Chí Minh cần rà soát thật kỹ các địa bàn, cơ sở còn yếu để tăng cường lực lượng chuyên trách.Coi trọng vai trò truyền thông trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng nhấn mạnh, vào thời điểm này, đây là một lực lượng tuyến đầu, phải được ưu tiên trong tác nghiệp để phản ánh đúng tình hình, thông tin khách quan, trung thực, thuyết phục. TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu tổ chức họp báo hằng ngày để thông tin kịp thời, chính xác, đúng định hướng đến người dân.TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực. Chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lấy hệ thống chính trị cơ sở làm pháo đài chống dịch, vận động người dân hợp tác, hưởng ứng, chia sẻ, phát huy tốt đa vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng.Việc chi viện, hỗ trợ phải tập trung, thống nhất, Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh cử một cán bộ làm đầu mối chỉ đạo để điều phối công tác này, “khi nào cần hỗ trợ, cần cái gì, bao nhiêu phải rất rõ ràng”.Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bám sát tình hình, không gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân do thiếu các nhu yếu phẩm.Kêu gọi, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Đài Truyền hình, Đài phát thanh của Thành phố nghiên cứu có chương trình văn hóa phục vụ nhân dân trong lúc giãn cách xã hội để người dân được thưởng thức “món ăn” tinh thần.Thủ tướng nêu rõ, nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Tăng cường hình thức làm việc trực tuyến.Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình cách ly tại nhà, trên tinh thần tự nguyện; thiết lập các đường dây nóng để người dân gọi khi cần thiết.Nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh”, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt quá quy định thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết./.