Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy các dự án hạ tầng lớn tại ĐBSCL

Theo Baochinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Sáng 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, báo cáo kết quả kỳ họp và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, nhấn mạnh thêm một số vấn đề về kết quả kỳ họp, tình hình kinh tế-xã hội và trả lời kiến nghị của cử tri Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, nhấn mạnh thêm một số vấn đề về kết quả kỳ họp, tình hình kinh tế-xã hội và trả lời kiến nghị của cử tri Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ.

Cùng dự cuộc tiếp xúc cử tri có ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cùng hơn 300 cử tri các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền, các cử tri là chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Cử tri đánh giá với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, đổi mới và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra về công tác lập pháp, hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác nhân sự.

Cử tri đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Trong bối cảnh quốc tế, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 với mức tăng trưởng GDP cao (8,02%), chỉ số lạm phát CPI thấp (3,15%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng tích cực.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, GRDP của Cần Thơ ước tăng 3,71%. So với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,37%; khách tham quan, du lịch thành phố gần 4 triệu lượt, tăng 34%, doanh thu tăng 59%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 37,04% kế hoạch, gấp 1,84 lần về giá trị, tăng 14,69% về tỉ lệ, cao hơn trung bình chung cả nước (30,49%); doanh thu vận tải tăng 10,39%; Chỉ số PAR Index năm 2022 (công bố ngày 19/4/2023) xếp thứ 26, tăng 25 bậc so với năm 2021...

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Lạm phát giảm dần, tăng trưởng cao dần

Sau khi các đại biểu Quốc hội trả lời các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi, nhấn mạnh thêm một số vấn đề về kết quả kỳ họp, tình hình kinh tế-xã hội và trả lời kiến nghị của cử tri.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV với trên 40 đề án luật, văn bản và ngay sau kỳ họp, đã tích cực, khẩn trương triển khai các chủ trương, quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp. Mới đây nhất, ngày 7/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với TPHCM để triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần và tăng trưởng có xu hướng tăng dần. GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại, quý II xuất khẩu tăng 2,9%, nhập khẩu tăng 2,6% so với quý I; tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ, thu đủ chi; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi dưới ngưỡng cho phép; thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng…

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, giá trị 2,3 tỷ USD, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại: Quý II tăng 1,56% (quý I giảm 0,75%); tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút khách quốc tế 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý II cao hơn quý I. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5% (quý I tăng 3,7%); tính chung 6 tháng tăng 4,7%. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Thủ tướng nêu định hướng những tháng cuối năm 2023 tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  
Thủ tướng nêu định hướng những tháng cuối năm 2023 tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Trong 6 tháng, có 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, dẫn đến tổng số có 113.600 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn so với 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ thất nghiệp là 2,27% (giảm 0,12%). Đến cuối tháng 6/2023 có 73,5% số xã và 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân lao động trong 6 tháng là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6% so với cùng kỳ; 94% tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập không đổi và tăng lên, tăng 15% so với cùng kỳ. Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.

Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, trong kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực của Cần Thơ; đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố, nhất là về phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động giao thông vận tải, thu hút khách du lịch, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 6 tháng giảm so cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 4,3%. Công nghiệp, chỉ số IIP 6 tháng giảm 1,2%; nông nghiệp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi; du lịch, khách quốc tế 6 tháng chỉ bằng 71,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm; công tác lập, thẩm định quy hoạch cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng...

Thủ tướng đề nghị TP. Cần Thơ tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  
Thủ tướng đề nghị TP. Cần Thơ tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Chính quyền cần sâu sát công việc, người dân

Về định hướng những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Trong bối cảnh lạm phát giảm dần và được kiểm soát, phải ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.

Chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian tới được điều chỉnh theo hướng: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.

Thủ tướng nhấn mạnh trong mọi hoàn cảnh cần giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, phát huy tối đa truyền thống lịch sử-văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, vượt khó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng cho biết, cần nắm chắc tình hình, thực tiễn, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Giữ vững và tăng cường đoàn kết, thống nhất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ; cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên lắng nghe ý kiến cấp dưới, thấu hiểu, chia sẻ với những người làm trực tiếp.  Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng lấy ví dụ, việc xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn với 4 dự án (tổng công suất 4.000 MW) là đúng đắn, nhưng do không đồng bộ giữa các khâu khai thác khí, dẫn khí, xây dựng nhà máy khiến việc triển khai kéo dài. Vừa qua, Chính phủ đã cùng với thành phố, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nỗ lực giải quyết vấn đề này. Như vậy, nếu chúng ta không sát sao thì dự án sẽ bị kéo dài, nên cần sâu sát công việc, người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới.  Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân (lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá, nhất là giá lương thực thực phẩm và nhà ở). Thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh. Theo đó, cần đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện; trong đó có chuỗi dự án điện khí Ô Môn, đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền Bắc. Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân.

Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; chủ động phương án hỗ trợ người lao động. Tổ chức tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng; đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập.

Tập trung giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Thủ tướng cũng nêu rõ, cần chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.

Thủ tướng trao đổi với các cử tri Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  
Thủ tướng trao đổi với các cử tri Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Tiếp tục thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược

Cho biết sẽ duy trì cơ chế các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, Thủ tướng đề nghị TP. Cần Thơ tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.

Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng...

Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian trả lời, làm rõ hơn những vấn đề cử tri quan tâm như: Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng; chế độ bảo hiểm y tế; kết quả khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; chính sách bình ổn giá, nhất là xăng dầu, phân bón; tìm kiếm, mở rộng thị trường nông sản; giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng; thúc đẩy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, logictics trên địa bàn TP. Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp; có hướng dẫn thanh quyết toán điều trị bệnh nhân COVID-19; đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới; điều chỉnh Luật Sĩ quan quân đội...

Đối với đề nghị của cử tri Phan Thanh Dũng ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng về xử lý tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao bộ, ngành liên quan xây dựng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong đó có nhiều nội dung nhằm quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, đặc biệt nhằm loại bỏ tính ẩn danh trên mạng như yêu cầu xác thực số điện thoại đối với các tài khoản mạng xã hội kể cả mạng xã hội xuyên biên giới. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm. Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện giải pháp phòng, chống theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Về ý kiến của cử tri Trần Ánh Hoàng ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền về một số tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới còn chưa sát thực tiễn, Thủ tướng cho biết, một số địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc này. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sửa đổi bộ tiêu chí và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi các tiêu chí theo hướng phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương và khả năng bố trí nguồn lực.

Đối với đề nghị của cử tri Vũ Quyết Tiến ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, hiện nay Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam bảo đảm phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước ý kiến của cử tri Nguyễn Hữu Chí, phường Phú Thứ, quận Cái Răng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tạo điều kiện cho việc đào tạo ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.

Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Y Dược Cần Thơ và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao của Vùng, Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển và hoạt động, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học liên kết hợp tác phát triển đào tạo và thực hiện liên kết đào tạo quốc tế…

Để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, tránh được tình trạng "được mùa, mất giá", Thủ tướng cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ để phát triển hạ tầng giao thông chiến lược; chú trọng xây dựng thương hiệu lúa gạo, sầu riêng, chôm chôm, xoài, vú sữa, măng cụt…, chỉ dẫn địa lý, vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì; ưu tiên tín dụng; triển khai các giải pháp mở rộng thị trường…

Về nội dung được nhiều cử tri quan tâm là phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho biết Cần Thơ là đô thị trung tâm, là hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là vùng đang được tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và các điều kiện cần thiết để sớm trở thành là một trong những vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước, nhất là các dự án đường bộ cao tốc như tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, các sân bay, đường thuỷ nội địa, cảng Cái Cui, nạo vét luồng Định An…

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét dự kiến đưa vào kế hoạch sửa chữa năm 2024 danh mục sửa chữa hư hỏng nền mặt đường, hoàn thiện an toàn giao thông đường song hành cầu Cần Thơ, Quốc lộ 1. Mặt khác, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn cho TP. Cần Thơ để nâng cấp 7 km Quốc lộ 91 qua Cần Thơ.

Thủ tướng cũng cho biết trong phát triển đường sắt tốc độ cao, tinh thần của Chính phủ là ưu tiên tuyến TPHCM–Cần Thơ và đã giao Bộ GTVT và các cơ quan tư vấn nghiên cứu nội dung này. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo tìm giải pháp hoàn thành dứt điểm dự án bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn ODA của Hungary…

Thủ tướng cũng kêu gọi bà con cử tri tại những nơi có dự án đi qua trên địa bàn ủng hộ các dự án trọng điểm; chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tái định cư, bảo đảm người dân di dời đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.