Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, có thể khẳng định năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập. Tập đoàn vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí. Cùng với đó, một số cơ chế tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xem xét từ các cơ quan có thẩm quyền…
Lãnh đạo Tập đoàn báo cáo với Thủ tướng. |
Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn đối với đất nước, kết quả năm 2020, Tập đoàn đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, đã về đích trước nhiều chỉ tiêu quan trọng của năm. Cụ thể:
Hoàn thành kế hoạch cả năm gia tăng trữ lượng dầu khí trước 6 tháng, năm 2020 đạt 15,0 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm là 10 - 15 triệu tấn quy dầu). Có 2 phát hiện dầu khí mới là Kèn Bầu và Sói Vàng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Hoàn thành đầu tư đưa 2 công trình dầu khí mới vào khai thác (giàn BK-21 và giàn CPP Sao Vàng).
Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 26 ngày, đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8,0% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3.
Các nhà máy sản xuất điện, đạm, lọc hoá dầu của Tập đoàn được vận hành an toàn, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên các nhà máy được thực hiện theo đúng yêu cầu thiết kế, sản lượng vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 17 ngày, đạt 1,80 triệu tấn, vượt 15,0% kế hoạch năm; Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 11,87 triệu tấn, vượt 0,5% kế hoạch năm; Sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kWh.
Với giá dầu thô trung bình năm 2020 đạt 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với mức giá kế hoạch năm Quốc hội thông qua (60 USD/thùng), giảm 23,7 USD/thùng (giảm 35,1%) so với giá dầu trung bình năm 2019 (67,5 USD/thùng), các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vẫn đạt kết quả tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu; trong khi hoạt động của nhiều tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới thua lỗ lớn tới hàng chục tỷ USD, thậm chí phá sản, thì Petrovietnam là một trong số ít các công ty dầu khí có lợi nhuận khả quan, cụ thể: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2020 đạt 566.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 83.000 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 nghìn tỷ đồng...
Trong năm 2021, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021, Petrovietnam xác định phương châm chỉ đạo trong năm 2021 là: “Quản trị biến động - Tối đa giá trị - Mở rộng thị trường - Tận dụng cơ hội - Liên kết đầu tư - Phục hồi tăng trưởng”...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động và các đơn vị trong toàn Tập đoàn về những kết quả vượt bậc đạt được trong năm qua, thể hiện ý trí, khát vọng và tinh thần Việt Nam, truyền thống, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của “những người đi tìm lửa” vốn đã được hình thành, tôi luyện qua nhiều thế hệ của Tập đoàn, nay lại càng được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng thời điểm.
Gần 60.000 cán bộ, công nhân viên, kỹ sư đã làm việc ngày đêm, tâm huyết, trách nhiệm. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trở thành một Tập đoàn dầu khí lớn mạnh với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trọng quốc gia, sở hữu khối tài sản Nhà nước có giá trị trên 35 tỷ USD.
Chia sẻ về các điểm sáng, ấn tượng của Petrovietnam, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, Tập đoàn đã thăm dò, gia tăng trữ lượng, đạt kết quả tốt, đặc biệt, đã phát hiện mỏ Kèn Bầu cùng với Cá Voi Xanh, bảo đảm cung cấp khí đốt cho nhu cầu công nghiệp, dân dụng của các tỉnh miền Trung, trọng tâm là các nhà máy điện trong thời gian dài.
Phần lớn các đơn vị thành viên, từ chỗ bị động, khó khăn, nay lấy lại được đà tăng trưởng mới. Petrovietnam đã nộp ngân sách Nhà nước 83.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng góp cho ngân sách.
Thủ tướng khẳng định, Petrovietnam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của mình, vượt qua sự ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất của “tác động kép” do đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu trong thời gian vừa qua, đã thực sự thực hiện được lời nhắn nhủ của Thủ tướng khi làm việc với Tập đoàn năm 2018: “Trong khó khăn càng phải vững vàng, bằng bản lĩnh để vượt qua thử thách”.
Nhấn mạnh vai trò của của tập thể đối với sự phát triển, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và Petrovietnam xây dựng trình Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí mới trong năm 2021 theo chương trình xây dựng pháp luật đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội. Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành cơ chế tài chính của Tập đoàn.
Giao nhiệm vụ cho Tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu, trước hết tiếp tục xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh, trong đó gắn liền công tác chính trị, tư tưởng với công tác cán bộ, toàn Đảng bộ có sức sống mới, vượt qua khó khăn. Đánh giá, bố trí cán bộ cho đúng để phát huy sở trường; duy trì tốt sinh hoạt Đảng.
Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Petrovietnam. |
Cần phát huy tối đa nguồn lực, kinh nghiệm và quan hệ của một doanh nghiệp có vai trò đầu tàu của nền kinh tế, trở thành đơn vị kiểu mẫu trong việc hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Thủ tướng đánh giá cao dòng khẩu hiệu mà Tập đoàn đặt tại hội trường:“Quản trị biến động - Tối ưu giá trị - Mở rộng thị trường - Tận dụng cơ hội - Liên kết đầu tư - Phục hồi tăng trưởng”.
Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị có ảnh hưởng quyết định đến tổng thể nền kinh tế và an ninh năng lượng, là tập đoàn nắm giữ từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, phân phối và sản xuất sản phẩm cuối cùng là xăng dầu, điện, hạt nhựa, đạm… Petrovietnam có điều kiện thuận lợi để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu mạnh về chất lượng và sức cạnh tranh cao.
Chính vì thế, Petrovietnam phải khắc phục cho được một số tồn tại, trước hết là việc xử lý 5/12 dự án còn chậm, chưa chuyển biến, chưa có giải pháp đột phá; đẩy mạnh việc triển khai các dự án Nhóm A còn chậm trễ. Tập đoàn cũng cần tập trung giải quyết tình trạng cồng kềnh trong bộ máy, còn có đơn vị hoạt động chưa hiệu quả.
Phải tập trung tái cấu trúc mạnh mô hình quản lý để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả hơn, tập trung được nguồn lực hơn. Theo đó, cần khẩn trương xem xét lại mô hình hoạt động của một số xí nghiệp thành viên, tránh trùng lặp giữa các đơn vị, hiệu quả kém.
“Việc tái cấu trúc đụng đến con người, bộ máy, cho nên phải có phương án cụ thể, chặt chẽ”, Thủ tướng nói, làm sao trong toàn tập đoàn tạo ra không khí làm việc mới, đặc biệt sử dụng cán bộ công tâm, đúng người, đúng việc. “Làm sao thu hút nhân tài, những người giỏi về đây”.
Phải cải cách để có đầu mối mạnh hơn nhằm phát huy sức mạnh và có khả năng cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Tập trung cao cho nghiên cứu, áp dụng công nghệ khoa học mới vào sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng mong muốn Petrovietnam tiếp tục phát huy truyền thống và những thành công của năm 2020 để có bước phát triển mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.