Về vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động thủy sản được báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.
Trước đó, tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc đóng tàu là chủ trương của Chính phủ để tăng cường nguồn lực, đội tàu hiện đại, vừa tăng sản lượng khai thác vừa tham gia bảo về an ninh vùng biển. Thực hiện chủ trương này, các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản, quy trình để hướng dẫn, thực hiện. Trên cơ sở những tiêu chí, cả nước có 235 cơ sở có điều kiện, trang thiết bị có thể thực hiện việc đóng tàu. Theo kế hoạch, đóng 2284 tàu, phân bổ cho 28 địa phương. Thời điểm này đóng được 666 tàu, bằng 3 loại vật liệu vỏ sắt, gỗ, composit, trong đó có 297 tàu vỏ sắt, hầu hết là công xuất lớn, trên 800 mã lực. Theo Bộ trưởng, về tình hình thực hiện đến 31/5/2017 với 666 tàu này, nhìn chung các chuyến ra khơi phát huy tác cả về hiệu quả và độ an toàn. Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện một số tàu hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên. Trong đó, tại Phú Yên có 2 tàu hỏng nhẹ, khắc phục được trong thời gian gian ngắn đi vào hoạt động. Tại Bình Định có tới 19 tàu hư hỏng, Bộ đã ra 2 văn bản yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ.Bộ cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc với tỉnh Bình Định để khắc phục sự cố trên. Tỉnh mời ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu đến trực tiếp đối chất làm việc để làm rõ trách nhiệm từng bên. Ngày 9/6 vừa qua, Bộ tổ chức hội nghị tại tỉnh Bình Định, trong đó có mời lãnh đạo 27 tỉnh thành, ngư dân, doanh nghiệp đóng tàu,chuyên gia... qua đó thống nhất các giải pháp khắc phục sự cố. Bộ cũng cho biết, 19 tàu hư hỏng thuộc 2 công ty Đại Nguyên Dương (4 chiếc), Nam Triệu (15 chiếc).Bộ và tỉnh Bình Định đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của 2 công ty này, yêu cầu không được đóng tàu nữa để khắc phục hậu quả... Tàu chưa sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu lại, không để người dân nhận số tàu này. Tỉnh Bình Định phải thẩm định các tàu hư hỏng, mời công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tổ tư vấn sẽ có trách nhiệm tìm nguyên nhân làm rõ nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này.