Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm một số Bộ để Việt Nam bị hạ tín nhiệm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng yêu cầu các bộ rút kinh nghiệm, kiểm điểm khi chậm trả nợ nước ngoài trong khi "có tiền", ảnh hưởng tới tín nhiệm quốc gia.

Có tiền mà không trả nợ kịp thời
Chiều 20/12, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan: Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những nội dung liên quan đến trách nhiệm trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với các dự án La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 20 và Thủy điện Hồi Xuân.
 Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, các bộ cần rút kinh nghiệm. Việt Nam có tiền mà không trả nợ kịp thời, trong khi theo ông, có những việc khó khăn hơn trong năm 2019 Việt Nam còn làm được.
Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá, trước hết, việc chậm trễ do trách nhiệm của các cơ quan khi không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đồng thời chậm xử lý, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, thậm chí đến hạn trả nợ mới báo cáo.
Ông Mai Tiến Dũng nói, thư của Ngân hàng Thế giới (WB) gửi Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án trả nợ nhanh nguồn vốn IDA tháng 6/2019, với thời hạn trả lời trước 30/11. Tuy nhiên, đến 5/12, Bộ Tài chính mới có văn bản trình Thủ tướng. Ngay sau nhận được thông tin này, Thủ tướng đã có ngay ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính thông báo cho WB. Nếu không xử lý kịp thời, việc này có thể có ảnh hưởng lớn hơn nữa.
"Khi thiếu nguồn thanh toán lãi vay cho dự án nào thì Bộ Giao thông vận tải phải làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí nguồn, vì Bộ Giao thông chịu trách nhiệm chính với dự án đó", Tổ trưởng Tổ công tác nói. Theo ông Dũng, sắp tới, các Bộ cũng cần báo cáo thêm với Thủ tướng về các phương án bố trí nguồn vốn cho việc trả nợ.
“Phải nói rằng đây là trách nhiệm rất lớn. Thủ tướng rất không hài lòng, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Không thể vì một vài dự án chậm thanh toán mà ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ trong việc thanh toán trả nợ cho bên cho vay nước ngoài, không để xảy ra tình trạng trả nợ chậm làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Quyết định cho phép ứng Quỹ tích lũy trả nợ để thanh toán.
Tại buổi làm việc, các Bộ, cơ quan đã báo cáo về công tác quản lý vay và trả nợ nước ngoài; giải trình cụ thể nguyên nhân việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài với một số dự án nêu trên; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vay và trả nợ nước ngoài, việc khắc phục triệt để tình trạng chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài.
Các Bộ, cơ quan cũng báo cáo về tình hình công tác phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến thanh toán, trả nợ nước ngoài, khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất.
Kết luận cuộc  họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là minh bạch thông tin, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. Trước hết, việc chậm trễ là do trách nhiệm của các cơ quan khi không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chậm xử lý, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, thậm chí đến hạn trả nợ mới báo cáo. Như khi xử lý thư của WB được gửi vào tháng 6/2019, đề nghị thời hạn cho Việt Nam trả lời trước 30/11 nhưng tới 5/12, Bộ Tài chính mới có văn bản trình Thủ tướng.
“Lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo rất sớm, nêu rõ trách nhiệm các Bộ nhưng thực hiện chưa nghiêm. Nhiệm kỳ này, việc bảo lãnh Chính phủ đã chặt chẽ hơn nhiều, nhưng với các dự án đã bảo lãnh thì phải bảo đảm trách nhiệm trả nợ”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Cùng với đó, các bộ phải nhận thiếu sót trước Thủ tướng về sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ, tích cực, trả lời không đúng hạn khi được lấy ý kiến.
"Phải xử lý tốt từng việc cụ thể để không ảnh hưởng đến tình hình chung. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, cái gì đã làm tốt thì phát huy, những gì chưa tốt thì các cơ quan phải rút kinh nghiệm, khắc phục, không để lặp lại việc tương tự”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 18/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định này là nhận định vẫn còn tiềm ẩn rủi ro chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ. Theo đó, các khoản thanh toán chậm phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính, bao gồm các vấn đề về các thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ.
Tuy nhiên, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ vẫn được giữ nguyên ở Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi và trái phiếu bằng nội tệ vẫn là Baa3.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần