Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thú vị] Ký họa về khu cách ly qua con mắt của du học sinh người Anh

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh cờ tỉ phú, các trò của du học sinh trong khu cách ly hay quy trình kiểm tra sức khỏe, đọc danh sách hết thời gian cách ly, món quà chia tay của các tình nguyện viên… đều được thể hiện dưới ngòi bút ký họa của Tăng Quang - một du học sinh ở Anh sống ở khu cách ly tập trung tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh.

 Xếp hàng chờ bác sĩ kiểm tra sức khỏe được Tăng Quang đặt tên: ''Thi Mode trong khu cách ly''.

Tăng Quang từ Anh trở về Việt Nam hôm 17/3, anh nằm trong diện cách ly tập trung 14 ngày vì trở về từ vùng có dịch. Trước khi trở về, Tăng Quang cũng có những lo lắng về nhận được nhiều thông tin nhiều chiều về khu cách ly ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến và sinh hoạt trong khu cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7 – TP Hồ Chí Minh, suy nghĩ của Tăng Quang hoàn toàn khác.
Chính những cảm xúc về những người bạn cùng phòng trong khu cách ly, về sự nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ, tận lực của đội ngũ tình nguyện viên… đã tạo cảm xúc cho Tăng Quang ký họa thành công 20 bức vẽ. Ngôn ngữ trong tranh đôi khi được nhìn dưới cái nhìn nhẹ nhàng, tạo tiếng cười nhưng rất giàu tình cảm.
 ''Đám thanh niên đánh cờ tỷ phú để học góp vốn, đầu tư, sinh lời, đi vay rồi phá sản... của dân chơi cờ''
“Sau bao ngày ăn ngủ đến ngu ngục, u mê, mình lết dậy vẽ cái album ký hoạ này, ghi lại một khoảng thời gian rất đặc biệt trong cuộc đời. Mỗi ngày vẽ 4,5 bức, mỗi bức tầm 1 giờ, vẽ trong tầm 5 ngày. Trong này mình cũng không có nhiều hoạ cụ, nên vớ được cái gì vẽ bằng cái đó, vài ba cây bút chì màu, hộp màu nước và 2 cây bút kim. Dù không hoa mỹ gì, nhưng nó rất chân thật với những gì mình đã trải qua” – Tăng Quang tâm sự.
Tăng Quang vẽ các y bác sĩ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trong khu cách ly và cũng vẽ những người bạn cùng phòng. Khác với điều chúng ta hình dung về hàng rào chắn hay không khí căng thẳng với tiếng chuông, còi báo hiệu như một chiến khu, màu sắc tươi sáng trong bộ tranh lại mang đến những câu chuyện ân tình.
Ở bức tranh vẽ chiến sĩ Huỳnh Dương, Tăng Quang nhắc đến chiếc móc khóa anh Dương tặng cho những người ở khu cách ly trong khoảnh khắc chia tay. Món quà được làm bằng tay và chọn theo con giáp của mỗi người. Còn trong bức vẽ về giờ cơm trưa, sự tận tình của những chiến sỹ mang cơm đến tận phòng, nhường phần ăn cho các bạn cách ly đã khiến Tăng Quang nhớ mãi.
Nỗi vất vả của đội ngũ cán bộ, bác sĩ và tình nguyện viên trong khu cách ly cũng được Tăng Quang dùng nét bút ký họa.
“Có lẽ trải nghiệm cách ly ở mỗi nơi mỗi khác, nên ý kiến của mình chỉ mang tính cục bộ. Mình cảm thấy may mắn khi được ở tại trường Quân khu 7, được các bác sĩ và anh chị em chiến sĩ chăm sóc tận tình từ sức khoẻ, bữa ăn cho đến nhu cầu cá nhân” – Tăng Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh những chia sẻ cảm động về sự gắn bó, điều tử tế; Tăng Quang cũng nói về nhóm bạn chung phòng với lối kể chuyện dí dỏm: màn cắt tóc tự xử, quầy tạp hóa trong khu cách ly của một cậu bạn bị "phá sản", hoặc chuyện đánh cờ tỉ phú của những thanh niên trong khu cách ly để tập làm quen dần dần khởi nghiệp, đầu tư, thua lỗ, phá sản và đi tù… của dân chơi cờ.
 Bức vẽ gợi nhớ cửa hàng tạm hóa của một người bạn bị đóng cửa trong thời kỳ cách ly
Ngay sau khi hoàn thành 20 bức vẽ đầu tiên, Tăng Quang nhận được nhiều lời chia sẻ, khuyến khích em tiếp tục sáng tác để gửi tặng cán bộ khu cách ly và những người bạn, là mẫu ảnh trong các bức ký họa của Quang.
“Đầu tiên em xin cảm ơn sự quan tâm và tình cảm của mọi người cho bộ tranh ký hoạ em vẽ ở trường quân sự Quân khu 7. Thật ra em không có ý định vẽ tiếp phần này của câu chuyện, vì khi em chia sẻ phần đầu lên mạng xã hội, chỉ còn khoảng gần 4 ngày nữa em sẽ hoàn thành thời gian cách ly. Nhưng bộ tranh đã tạo được những niềm vui nho nhỏ cho mọi người ở trung tâm, và các anh chị y bác sĩ cũng ngỏ lời với em vẽ tặng thêm một vài bức nữa” – Tăng Quang tâm sự khi chuẩn bị cho các bức vẽ lần 2.
Những bức vẽ chủ yếu phản ánh cuộc sống của mọi người khi chuẩn bị hoàn thành thời gian cách ly. Nó đều là những khung cảnh và cảm xúc rất thực. Tác giả có đan cài yếu tố giải trí, hài hước vào tập tranh, vì nó là một phần tính cách của Quang nhưng các chi tiết trong tranh đều được xây dựng theo sự thật, dù có một vài chỗ tô vẽ hơi quá nhưng cũng để vui là chính.
 Cảm xúc xách va li hoàn thành thời gian cách ly cũng để lại cho những du học sinh như Tăng Quang những cảm xúc khó tả
“Một lần nữa em xin cảm ơn sự động viên của mọi người cho em trong suốt thời gian qua. Hy vọng bộ tranh lần này cũng mang đến được những cảm xúc tích cực cho mọi người” – tác giả cả các bức ký họa gửi gắm.
Một số bức vẽ được Tăng Quang thực hiện trong thời kỳ cách ly: