Thư viện công "vướng" cảnh đìu hiu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dường như căn bệnh bao cấp, trì trệ triền miên đã khiến đa phần những người làm thư viện công trở nên thụ động chờ độc giả.

Thế mới có tình trạng các thư viện xã hội hóa tấp nập bạn đọc, còn đa phần thư viện công “vướng” cảnh đìu hiu.

Nghịch cảnh

Thư viện là không gian văn hóa không thể thiếu ở mỗi địa phương. Vậy nhưng, hệ thống thư viện công của các phường, quận ở Hà Nội hiện hầu như chỉ mở cửa cho có. Thậm chí, một vài nơi đã đóng cửa vì quá ít độc giả.
Nhà văn hóa phường Nhân Chính được xây mới nhưng không có thư viện và phòng đọc sách, còn thư viện của Nhà văn hóa thanh thiếu nhi quận Đống Đa cửa đóng then cài.	Ảnh: Minh Phúc
Nhà văn hóa phường Nhân Chính được xây mới nhưng không có thư viện và phòng đọc sách, còn thư viện của Nhà văn hóa thanh thiếu nhi quận Đống Đa cửa đóng then cài. Ảnh: Minh Phúc
Trong thiết kế ban đầu, Nhà văn hóa phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) có khuôn viên đẹp được xây dựng 3 tầng với diện tích 1.464m2 với các phòng truyền thống, hội trường lớn, phòng họp, phòng sinh hoạt cộng đồng, thư viện và các phòng chức năng. Những tưởng sau khi đi vào hoạt động (tháng 10/2014), đây sẽ là địa chỉ để người dân phường tham gia sinh hoạt, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Thế nhưng, vừa đến cổng, bảo vệ đã khẳng định: “Ở đây không có phòng đọc sách, cũng không có thư viện”.

9 giờ 30 phút sáng, tại Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi quận Đống Đa - nơi được cho là có nhiều hoạt động sôi nổi, phòng thư viện với diện tích khiêm tốn trên tầng 3 vẫn cửa đóng then cài. Đi lên, đi xuống vài lần mới gặp được nhân viên thư viện. Chị cho biết, hàng ngày không có ai đến đọc sách, thi thoảng mới có người đến mượn về. Bản thân chị cũng kiêm nhiệm nhiều việc khác, nên không thể túc trực ở thư viện, ai đổi, trả sách thì tìm chị vào buổi sáng các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, khung giờ hành chính.

Trong khi đó, khoảng 10 giờ sáng, không khí ở thư viện quận Cầu Giấy (đồng thời là Nhà truyền thống của quận) cũng ảm đạm không kém. Mặc dù thư viện này có hơn 18.000 đầu sách, báo, lại ở vị trí đắc địa, gần các trường đại học, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng 400 người đến làm thẻ và đổi thẻ. Con số này quá khiêm tốn so với một quận đông dân như Cầu Giấy.

   Số liệu thống kê năm 2014 của Thư viện Hà Nội cho biết, đây là tình trạng chung ở hầu hết các quận. Ngoại trừ thư viện quận Hoàn Kiếm có khoảng 1.175 lượt người/năm, còn lại chỉ được vài trăm người. Cá biệt, thư viện quận Hoàng Mai có 94 bạn đọc, thư viện quận Hai Bà Trưng chỉ có... 25 độc giả!

Khác hẳn với hoạt động mờ nhạt của các thư viện công, nhiều mô hình thư viện sử dụng nguồn xã hội hóa lại thu hút đông đảo bạn đọc. Thư viện cụm 12, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) do bà Nguyễn Thanh Hà, bộ đội thông tin về hưu khởi xướng là một điển hình. Từ 8 giờ sáng, đã có cả chục người đến đây đọc hoặc mượn sách. Bà Hà cho hay, thư viện cụm 12 có hơn 500 lượt bạn đọc/năm. Mở cửa năm 2013 với gần 500 cuốn sách, đến nay, thư viện đã có 3 tủ sách với khoảng hơn 3.000 đầu sách. Tất cả đều do người dân trong khu ủng hộ. Bà Hà bật mí “bí kíp” hút độc giả, đó là luôn tạo không khí vui vẻ, gần gũi để bà con thích đến thư viện. Và do thư viện chỉ mở 2 lần/tuần, nên việc đầu tiên của bà Hà là giới thiệu những sách báo hay, mới và dòng chữ “đọc sách miễn phí” để thu hút bạn đọc. Đặc biệt, mỗi năm, thư viện còn trao giải thưởng cho 2 người lớn và 2 trẻ em chăm đọc sách nhất khu để khuyến khích mọi người.

Một thư viện khác cũng thu hút hàng chục bạn đọc mỗi ngày là Thư viện sách Đông Tây của dịch giả Đoàn Tử Huyến. Mô hình kết hợp thư viện, bán sách và kinh doanh đồ uống với không gian khá rộng, thường xuyên diễn ra các buổi ra mắt sách, ngày hội sách giảm giá được nhiều người yêu thích.

Cần cơ chế tự chủ

Một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với thư viện công là do thiếu sự đầu tư cơ sở vật chất, cũng như đổi mới hoạt động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân căn bản nhất khiến các thư viện phường, quận đìu hiu vẫn là do sự yếu kém trong chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý thư viện. Thực tế cho thấy, văn hóa đọc của giới trẻ không mai một, vấn đề là có khơi dậy được sự thích đọc đó hay không. Phải nhìn nhận khách quan, đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện chưa làm tốt việc giới thiệu, quảng bá và trưng bày sách. Giản đơn như mỗi khi có sách mới, bên cạnh trưng bày một cách hợp lý, thủ thư còn cần nhanh nhạy tư vấn, giới thiệu để khơi dậy trí tò mò, niềm đam mê cho bạn đọc. Mặt khác, các thư viện, phòng đọc sách chỉ biết trông chờ nguồn sách duy nhất luân chuyển từ Chương trình mục tiêu của Bộ VHTT&DL và kinh phí sự nghiệp của Sở VH&TT đầu tư cho hoạt động thư viện. Việc vận động người dân đóng góp theo tinh thần xã hội hóa chỉ thực hiện được lúc ban đầu khi xây dựng kho sách hạt nhân, sau đó bị bỏ lửng. Phó Giám đốc điều hành Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà nhận định: “Hệ thống các thư viện công của TP Hà Nội chủ yếu hoạt động dựa vào ngân sách của TP, nguồn xã hội hóa rất hạn chế, không đáng kể”. Và hầu hết các thư viện phường, quận chỉ mở cửa trong giờ hành chính nên học sinh, người lao động không có điều kiện để đến đọc… Thụ động, ì ạch suốt một thời gian dài nên bạn đọc ngày càng xa các “kho sách” là điều không thể tránh khỏi.

Chỉ cần so sánh hoạt động của hệ thống thư viện công và thư viện dân lập cũng đủ thấy, muốn các thư viện phường, quận có bước đột phá, thoát khỏi căn bệnh bao cấp, trì trệ triền miên thì cơ quan chức năng cần sớm ban hành cơ chế tự chủ đối với hệ thống thư viện công. Kèm theo đó là hành lang pháp lý rõ ràng. Bởi lẽ, nếu thư viện công hoạt động độc lập như một DN thì buộc họ phải đổi mới cách làm để thu hút độc giả. Bước đầu, TP có thể chọn lựa một số thư viện hoạt động tốt, có bạn đọc để đầu tư làm thí điểm, tạo những điểm sáng, hình mẫu tiêu biểu. Rồi các thư viện quận, huyện khác có thể dựa vào đó để định hướng phát triển. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa công tác thư viện cũng được coi là giải pháp “cứu cánh” trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện công. Trong đó, cần khuyến khích nhân rộng các mô hình: Tủ sách dòng họ, tủ sách thôn xóm, nhà sách tư nhân ở cơ sở, thư viện gia đình… Đặc biệt, cần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, nhất là kỹ năng giới thiệu, quảng bá sách. Để thu hút được bạn đọc, người quản thủ thư viện phải được coi trọng, có trình độ như các “chuyên viên thông tin” hay “khoa học gia thông tin”. Tất nhiên, kèm theo đó phải có chế độ đãi ngộ phù hợp…

Cả nước hiện có gần 100 thư viện tư nhân, khoảng 5.000 tủ sách phụ huynh, thư viện với mô hình “Không gian đọc” và hàng trăm tủ sách dòng họ đang “sống khỏe” và tiếp tục phát triển. Vậy thì với hệ thống thư viện công, đặt vào đó cơ chế hoạt động tự chủ, sẽ phải tự mình thoát khỏi sự ì trệ vốn có để tự "cứu" lấy mình và thu hút bạn đọc.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Phạm Thế Khang: Khơi dậy phong trào đọc sách
Để các thư viện ngày càng có nhiều độc giả thì việc khơi dậy phong trào đọc sách trong cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước để tổ chức các sự kiện tuyên truyền giới thiệu sách sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc đưa sách đến với người đọc. Ví dụ: Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2015 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hơn 20 hoạt động, thu hút hàng ngàn người đến dự. Cuộc thi tuyên truyền sách hè thiếu nhi năm 2014 đã thành công cả về bề rộng lẫn bề sâu, thu hút gần 400 xã, phường với hơn 15.000 học sinh tham gia...
Phó Giám đốc điều hành Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà: Đổi mới cách làm để “hút” độc giả
Hàng năm, thư viện quận, huyện phải không ngừng cải tiến các hình thức tuyên truyền mới có thể thu hút độc giả. Bên cạnh những hình thức tuyên truyền miệng, giới thiệu sách mới, giới thiệu sách theo chủ đề, các đơn vị có thể thi tuyên truyền giới thiệu sách, thi kể chuyện sách hè cho thiếu nhi. Hàng tháng, nhân các ngày kỷ niệm có thể tổ chức các phòng đọc sách chuyên đề, trưng bày chuyên đề sách trực quan để bạn đọc dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận với sách báo. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa thư viện với các đoàn thể và ngành giáo dục tổ chức nhiều chương trình nhằm kích thích giới trẻ và người dân đến thư viện đọc sách