Thừa cơ chế, thiếu quyết tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/5, Thường trực HĐND TP đã giám sát tại Sở Xây dựng về tình hình chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng và việc xử lý công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn.

Trong đó, vấn đề xử lý các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ vẫn chưa thực sự có giải pháp khả thi.

Ì ạch xử lý tồn đọng cũ

Theo Sở Xây dựng, trong số 192 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại cũ (tại 9 quận, huyện) hiện mới giải quyết được 18 trường hợp (riêng Hà Đông là 13 trường hợp). Như vậy, nhiều địa phương gần như không giải quyết được trường hợp nào và vẫn còn 174 công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng từ trước năm 2005 chưa được xử lý, trong đó có 132 trường hợp nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến phố, trường trục chính của TP từ nhiều năm trước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” về cơ bản đầy đủ để các quận, huyện tổ chức thực hiện. Nhưng, ngoài yếu tố khách quan, việc chậm xử lý là do quận, huyện chưa quyết liệt và lúng túng trong giải quyết… Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tại các quận, huyện cho thấy, nhiều địa phương đã lên phương án xử lý với từng trường hợp, nhưng lại vướng về kinh phí, cơ chế thu hồi… Tại hội nghị chuyên ngành, (tháng 11/2014), do Sở Xây dựng chủ trì đã thống nhất đề xuất TP các giải pháp xử lý như hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề (36 trường hợp); cải tạo, hạ độ cao còn 1 tầng (5 trường hợp); 98 trường hợp chỉnh trang giữ nguyên trạng 1 tầng, 35 trường hợp thu hồi đầu tư xây dựng công trình công cộng. Và đây cũng là phương án các quận huyện đề xuất dựa trên sự rà soát thực tế từng trường hợp. Lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị, với những trường hợp tồn tại cũ, các quận tiếp tục vận động người dân hợp thửa hợp khối tối đa, vì đây là giải pháp hiệu quả và nhanh gọn nhất, nếu thành công sẽ giải quyết được cơ bản số trường hợp còn tồn đọng, việc thu hồi đất chỉ là giải pháp cuối cùng.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Việc hợp thửa hợp khối ở đây sẽ khó khả thi. Việc thu hồi cũng không dễ, bởi ngoài kinh phí lớn, thủ tục nhiều, thì dẫu có thu hồi xong cũng khó để làm công trình công cộng gì ở những diện tích nhỏ như vậy. Do đó, các quận, huyện gần như vẫn “tắc” và phần nhiều “thường vin” vào các quyết định tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên đường Vành đai 1 mà Sở QH-KT đã ban hành để chọn cách đơn giản nhất là để tồn tại, chỉnh trang. Và như thế là vô tình cho hợp thức hóa “siêu mỏng, siêu méo”.

Chỉ triệt để khi có thiết kế đô thị hai bên đường

Cùng với những trường hợp tồn tại cũ, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, tại các tuyến đường mới mở có 442 trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng, trong đó đã có các phương án xử lý như 186 hợp thửa hợp khối…, nhưng 99 trường hợp chưa có phương án cụ thể. Sở đã giao các đội thanh tra kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh công trình “siêu mỏng, siêu méo”. Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát đặt ra là tại sao với những tuyến đường mới, khi đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để thu hồi các diện tích nhỏ lẻ cùng với GPMB dự án, nhưng vẫn cứ nảy sinh câu chuyện “siêu mỏng siêu méo”.

Lãnh đạo Sở QH-KT cho rằng, chỉ có thể triệt tiêu được  nhà “siêu mỏng, siêu méo” khi mở đường cùng với xác định thiết kế đô thị tuyến phố hai bên. Nhưng hiện chỉ có tuyến Kim Mã - Trần Phú là đã thu hồi các trường hợp không hợp thửa, hợp khối được và đầu tư đúng thiết kế đô thị. Nhưng với các tuyến đường khác như Vành đai 1, Vành đai 2, những quyết định tạm thời chỉ là giải pháp tình thế, để giao chính quyền địa phương xử lý, quản lý đất hai bên đường chờ thiết kế đô thị. Còn với những dự án sắp tới, các sở đều đã đề xuất TP yêu cầu chủ đầu tư khi phê duyệt dự án cần làm thiết kế đô thị luôn. Khi có chỉ giới đường đỏ, sẽ kiểm đếm luôn và lập dự án thu hồi. Và kinh nghiệm từ Kim Mã – Trần Phú sẽ giải quyết được  nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cũng lưu ý Sở Xây dựng cần tích cực hơn trong đề xuất TP hướng xử lý dứt điểm các trường hợp cũ và có phương án tránh phát sinh trường hợp mới một cách triệt để. Không thể để tình trạng văn bản nhiều, không thiếu cơ chế nhưng trong 1,5 năm chỉ giải quyết được 18 trường hợp tồn tại cũ mà 13, trong số đó lại là chỉnh trang cho tồn tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần