Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa phát lại là gì?

Chia sẻ Zalo

Gia đình tôi bị gia đình hàng xóm kiện ra Tòa án. Vừa qua, một người tự xưng là người của Văn phòng Thừa phát lại, chuyển giấy triệu tập của Tòa án và yêu cầu tôi ký vào Biên bản tống đạt. Vậy, Thừa phát lại là gì?

Tại sao Tòa án không tự mình tống đạt Giấy triệu tập hay gửi qua đường bưu điện mà lại phải nhờ Thừa phát lại?
Nguyễn Thu Hòa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)
 
Trả lời:
Theo Điều 1 và Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thì Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Thừa phát lại được thực hiện bốn chức năng: Tống đạt các giấy tờ theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của các đương sự.
Trong thắc mắc của chị thì Thừa phát lại đang thực hiện chức năng tống đạt các văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự. Tống đạt văn bản là hoạt động của cơ quan tố tụng giao các văn bản, tài liệu đến các cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ việc dân sự cụ thể mà các chủ thể này bắt buộc phải nhận được. Tuy nhiên, với một số lượng lớn văn bản cần tống đạt như hiện nay, các cơ quan tố tụng đã lâm vào tình trạng quá tải, không thể thực hiện đúng thời gian giao văn bản theo quy định của pháp luật. Vì vậy, để giảm bớt áp lực công việc cho cơ quan tố tụng và nâng cao hiệu quả của công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự thì các cơ quan này được quyền thỏa thuận giao Văn phòng Thừa phát lại việc tống đạt các văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án. Việc tống đạt văn bản của Văn Phòng Thừa phát lại có giá trị giống như Tòa án tống đạt văn bản.
Bùi Trọng Hào Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn