Thừa phát lại tạo không khí mới cho dịch vụ pháp lý ở Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn Hà Nội, qua khảo sát, đánh giá tác động kinh tế - xã hội được thực hiện mới đây, những kết quả bước đầu đã được khẳng định, ghi nhận.

Theo bà Hồ Xuân Hương- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TP Hà Nội, sau hơn một năm thực hiện thí điểm, cán bộ và nhân dân trên địa bàn TP đã dần quen với những dịch vụ pháp lý của TPL.

Số lượng vi bằng được các tổ chức, cá nhân sử dụng tăng lên với sự đa dạng về nội dung, yêu cầu; trong đó nhiều trường hợp tổ chức chính quyền dùng dịch vụ lập vi bằng của TPL để thu hồi, giải phòng mặt bằng; người dân dùng vi bằng để hiến đất cho nhà nước… 

Dịch vụ tống đạt văn bản cũng cho thấy hiệu quả của việc chuyển giao công tác tống đạt của cơ quan thi hành và cơ quan tòa án; dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án cũng nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt một số ngân hàng đã tin tưởng và giao việc thi hành án cho TPL. Việc thí điểm chế định TPL nhìn chung đã mang lại những hiệu quả nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 
Thừa phát lại tạo không khí mới cho dịch vụ pháp lý ở Thủ đô - Ảnh 1
Tư vấn cho khách hàng tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông.
Là đơn vị có số lượng án và giá trị phải thi hành lớn, nhiều năm qua Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải trong công việc. Bởi thế việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL theo đánh giá của ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội là đã góp phần giảm tải rất lớn cho cơ quan THADS, tạo điều kiện để cơ quan THADS tập trung vào công tác chuyên môn tổ chức thi hành án. 

Đối với ngành tòa án, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ cho hay, việc chuyển giao văn bản tố tụng thông qua các Văn phòng TPL đã tiết kiệm được thời gian, công sức của Thẩm phán, Thư ký, giúp cho Thẩm phán, Thư ký có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hồ sơ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ án.

Theo TS Dương Thanh Mai, thành viên Ban chỉ đạo Thí điểm chế định TPL Trung ương, kết quả tiếp xúc, khảo sát cho thấy, nhu cầu của  người dân đối với các hoạt động của TPL tăng cao, nhất là hoạt động lập vi bằng vì hiện nay chưa có cơ quan nào giúp họ làm việc này. Các dịch vụ khác như xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án vẫn còn ý kiến băn khoăn, e ngại chưa thực sự tin tưởng một tổ chức phi nhà nước có đủ khả năng làm được những công việc mà hiện nay các cơ quan nhà nước đang thực hiện. Nhưng nhiều người cho biết, họ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ này nếu thấy cần thiết. “Đây là những dấu hiệu rất tích cực cho thấy khả năng thành công của việc thực hiện thí điểm chế định này trên địa bàn TP Hà Nội”, TS Mai nhấn mạnh.

Sự xuất hiện của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã đem lại một không khí mới cho thị trường dịch vụ pháp lý ở Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định: “Sự ra đời của Thừa phát lại tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Ngoài ra, dưới góc độ xã hội, hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động thi hành án, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.  Đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động Thừa phát lại đã không gây xáo trộn các hoạt động của các cơ quan tư pháp mà bước đầu còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ghi nhận từ thực tiễn hoạt động của các Văn phòng TPL cũng như phản ánh từ các cơ quan có liên quan, việc thực hiện thí điểm chế định TPL đang vấp phải không ít khó khăn như nhiều cơ quan nhà nước chưa hiểu biết nhiều về TPL nên TPL còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án. 

Riêng đối với việc lập vi bằng – vốn được xem là thế mạnh của TPL thì đến nay sau một thời gian hoạt động vẫn đang trong tình trạng “mò mẫm” vì pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về hình thức,nội dung vi bằng cũng như hạn chế một số việc không được lập vi bằng…

Bên cạnh đó, trên địa bàn Thủ đô có 31 Tòa án đang hoạt động, trong khi chỉ có 7 Văn phòng TPL được thành lập ở trung tâm các quận nội thành nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phân chia địa hạt tống đạt cũng không phù hợp. 

Ngoài những nguyên nhân khách quan, hoạt động của TPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn còn do vấn đề năng lực. Thêm vào đó, thời gian tống đạt của TPL cũng còn chậm, trả kết quả cũng chậm nên chưa phục vụ kịp thời cho hoạt động THA; lực lượng của TPL còn mỏng, nhiều nơi chưa chuyên nghiệp. Do đó, bên cạnh những tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, công tác phối hợp, nhiều ý kiến cũng cho rằng bản thân các TPL cũng phải tự nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp để khẳng định vai trò cần thiết của mình.

Hà Nội hiện có 8 Văn phòng TPL hoạt động với tổng số 29 TPL. Ngoài ra còn có thêm 41 Thư ký nghiệp vụ, 23 nhân viên khác. Sau khi được cấp phép, các Văn phòng đều rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, cung cấp cho người dân những dịch vụ pháp lý tốt đồng thời từng bước khẳng định vai trò cần thiết của mình trong đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô.     

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần