Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án: Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác minh điều kiện thi hành án (THA) là một trong những chức năng của thừa phát lại (TPL), tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật cũng như năng lực của TPL.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA. Thực tiễn công tác THA dân sự cho thấy, với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được THA tự thực hiện xác minh còn chưa hiệu quả, trở thành gánh nặng cho người được THA và cả Chấp hành viên.
Không những Chấp hành viên mà trên thực tế người được THA rất khó tự mình thực hiện việc xác minh do liên quan rất nhiều đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức tín dụng. Do vậy, người được THA nếu cần xác minh thường yêu cầu TPL. Với việc xác minh điều kiện THA của TPL đã giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức THA.

Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình tư vấn lập vi bằng cho người dân. Ảnh: Phong Tuấn

Tuy nhiên, phản ánh của nhiều văn phòng TPL tại Hà Nội cho thấy, bên cạnh các cơ quan nhận thức đầy đủ và phối hợp tích cực với TPL thì còn nhiều cơ quan, tổ chức tín dụng gây khó dễ, thậm chí từ chối yêu cầu của TPL. Tâm lý e ngại TPL không phải là cơ quan nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Một số ngân hàng cũng chưa tích cực, hoặc vận dụng quy định bảo mật thông tin về tài khoản của khách hàng để từ chối yêu cầu xác minh về tài khoản, một số trường hợp kéo dài thời gian để chủ tài khoản rút tiền ra khỏi tài khoản né tránh việc THA. Trong khi đó, tại các cơ quan nhà nước cũng vẫn còn tình trạng một số UBND, công an cấp xã, phường chưa hiểu biết nhiều về TPL, cá biệt có nơi từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL, hoặc yêu cầu phải gửi lại tài liệu. Nhiều vụ, cán bộ phải đi lại nhiều lần gây tốn kém thời gian, công sức.

Đối với TPL, dù không còn là chế định mới, song một số văn phòng vẫn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thậm chí còn sai sót. Tại một cuộc tập huấn nghiệp vụ cho TPL mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục THA dân sự) Phan Huy Hiếu đã chỉ ra những vi phạm trong quá trình tác nghiệp của TPL như: TPL chỉ nghe đương sự trình bày không có tài sản gì là ghi vào biên bản; TPL xác minh và thấy rằng người phải THA có tài sản là nhà và đất nhưng không xác định rõ nhà và đất đó thuộc sở hữu của cá nhân người phải THA hay tài sản chung với vợ/chồng mà đã ra quyết định xử lý tài sản của người phải THA. Không những thế, có những trường hợp cần phải xác minh tại nhiều nơi song TPL mới xác minh ở 1 nơi đã kết luận về việc đương sự chưa có điều kiện THA; không tiến hành xác minh lại khi kết quả xác minh của TPL và của cơ quan THA, người được THA khác nhau…

Từ những bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động TPL, các TPL đề nghị pháp luật cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: Công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác… trong việc hỗ trợ TPL thực hiện xác minh điều kiện THA. Bên cạnh đó, để việc sử dụng các dịch vụ của TPL ngày càng phổ biến thì bản thân các TPL phải tự nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm, tích lũy kinh nghiệm để phục vụ người dân tốt hơn. Theo ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) thì trong từng trường hợp phải có cách xử lý linh hoạt, kết hợp giữa giải thích, thuyết phục và tuyên truyền các quy định của pháp luật về TPL để người dân và cán bộ hiểu, không nên quá cứng nhắc.