Tối 13/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các địa phương đã sơ tán, di dời hơn 140 người tại khu vực bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Cụ thể, huyện Phong Điền đã di dời 15 hộ dân với 21 khẩu tại xã Phong Hiền; huyện Phú Lộc di dời 20 hộ với 68 khẩu tại xã Lộc Tiến; thị xã Hương Trà sơ tán 3 khẩu ở phường Hương Văn và TP Huế sơ tán 50 học sinh đang ở trọ khu vực Xóm Gióng.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, sạt lở; không được chủ quan, lơ là, nhất là vào thời điểm ban đêm. Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cho các học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều 13/10.
Theo ghi nhận, tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua phường Thủy Dương, phường Thủy Phương, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) ngập gần nửa mét; Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh nhiều điểm ngập sâu gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Quốc lộ 49B từ xã Phong Hòa đến xã Điền Hương, huyện Phong Điền ngập sâu từ 0,4-0,6m, buộc lực lượng chức năng phải triển khai lực lượng cấm phương tiện lưu thông.
Chiều cùng ngày, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền cùng người dân địa phương dầm mình trong mưa lũ khẩn trương đắp đê chống sạt lở tại xã Quảng Phước.
Trước đó, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến đoạn đê dài gần 100m thuộc xã Quảng Phước bị sạt lở nghiêm trọng, hở hàm ếch và ăn sâu vào nền đường. Đối với tuyến đê này nếu không kịp thời gia cố nguy cơ vỡ rất cao, gây nguy hiểm đến nhiều nhà dân sống xung quanh, ảnh hưởng đến hàng trăm hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền huy động cán bộ chiến sĩ phối hợp với lực lượng tại địa phương và người dân tiến hành gia cố chống vỡ đê.
Đến 16h cùng ngày, công việc chống sạt lở đoạn đê, bảo đảm an toàn cho người dân địa phương hoàn thành.