GRDP tăng 0,38%
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tổng sản phẩm trong tỉnh - GRDP ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng 0,84% so với cùng kỳ.
Đối với du lịch, từ đầu năm đến nay Thừa Thiên Huế đã đón 1.136.185 lượt khách, giảm 54,61% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt 2.544 tỷ đồng, giảm 57,69% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp đạt thấp 3,05% so với cùng kỳ; từ đầu năm đến nay chưa có dự án mới đi vào hoạt động. Một số sản phẩm chủ lực đều giảm do thiếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, ảnh hưởng đến một số đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính EU, Mỹ. Sản lượng bia giảm 1,8% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất giảm 23,22% do lượng mưa thấp.
Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn có những điểm sáng, như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2020, có 500 DN và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2020 có thể đạt cao nhất 3,8%, do đó 6 tháng cuối năm GRDP phải đạt 6,8%. Đây là một thách thức lớn trong khi tỉnh chưa thể đón khách nước ngoài trở lại. Cùng với đó, các yếu tố tăng trưởng từ phía DN chưa có thay đổi lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện…
Vì thế, cần phải có đánh giá đầy đủ, phân tích rõ hơn những yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, rà soát tất cả các nguồn lực để có giải pháp điều hành dự toán thu, chi ngân sách; chủ động xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách trong điều kiện hụt thu ngân sách. Bên cạnh đó, điều chỉnh, cơ cấu lại dự toán chi ngân sách phù hợp; tăng cường kiểm soát, thắt chặt chi thường xuyên của các ngành; tăng cường giải pháp huy động nguồn thu tiền thuê đất, sử dụng đất các dự án lớn.
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung 2 nhóm giải pháp trọng tâm gồm công tác phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với xu thế hiện nay và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch Covid-19. Ngoài ra, tập trung tổ chức các sự kiện, lễ hội trọng điểm như Festival Huế 2020, Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực, Lễ hội Huế - Kinh đô áo dài… kết nối thị trường du lịch khu vực, liên kết, đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa, khai thác thị trường quốc tế mới, xây dựng Huế xanh – sạch – thân thiện, trở thành điểm đến du lịch an toàn cho du khách và cộng đồng.