70 năm giải phóng Thủ đô

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp phục hồi du lịch

ANH TUẤN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 5 đến hết năm 2020, Thừa Thiên Huế tập trung chủ yếu vào thị trường khách nội địa để phục hồi, kích cầu phát triển ngành du lịch.

Khôi phục thị trường nội địa
Dịch bệnh Covid-19 khiến lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế trong 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 940.069 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 426.911 lượt, giảm 44,95%.
Doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp (DN) du lịch ước đạt 859 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.079 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 4 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 2.250 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp từ DN du lịch hơn 700 tỷ đồng.
Khách du lịch đến Huế dự kiến sẽ tăng mạnh vào thời gian tới.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phục hồi, kích cầu phát triển du lịch trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2020, Thừa Thiên Huế tập trung chủ yếu vào thị trường khách du lịch nội địa. Trong đó là các hình thức giảm giá dịch vụ các chương trình kèm theo các dịch vụ ưu đãi.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các gói kích cầu của chính quyền trong năm 2020 tại những địa điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý với nhiều hình thức giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 - 31/7/2020; tiếp tục xây dựng và triển khai gói kích cầu của các DN, kết hợp với gói kích cầu của chính quyền…
Phát triển các sản phẩm du lịch mới
Theo kế hoạch, cần là nâng cao chất lượng và làm mới các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang có, qua đó cần tập trung xây dựng và đưa vào phục vụ những sản phẩm, dịch vụ mới trong giai đoạn này.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển loại hình du lịch MICE, các loại hình du lịch đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…  
 Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Toàn
Ngoài ra, ngành du lịch Huế cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về điểm đến “Thừa Thiên Huế - an toàn và thân thiện” thông qua truyền thông, báo chí, qua các ứng dụng du lịch thông minh; chú trọng quảng bá qua các kênh của mạng xã hội; tăng cường hợp tác công tư, phối hợp với các DN lớn để tạo hiệu quả cao trong hoạt động xúc tiến quảng bá; ưu tiên tập trung kinh phí xúc tiến, quảng bá thị trường nội địa trong năm 2020.
Kế hoạch nhấn mạnh cần tập trung quảng bá những sản phẩm, dịch vụ chiến lược như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài, Festival 4 mùa, Festival Huế 2020 kết hợp với giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của các đơn vị, DN du lịch trên địa bàn (du lịch y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác du lịch biển, đầm phá, suối, thác…).
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế trú trọng liên kết với Đà Nẵng và Quảng Nam quảng bá chương trình “3 địa phương - một điểm đến”; tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa, khai thác thị trường quốc tế mới của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.