Thuận lợi và thách thức của Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sân chơi mang tính bước ngoặt về thương mại của thế kỷ 21 sẽ đem đến cả cơ hội và thách thức đối với thị trường Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội.

Với vai trò là Thủ đô, đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội cũng đứng trước những cơ hội và thách thức riêng.

Tại hội thảo “Thuận lợi và thách thức với Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP” do Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội (HISEDS) và Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP tổ chức ngày 6/11, ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội nhận định, đối tác chiến lược quan trọng nhất của Thành phố được xác định khi Việt Nam gia nhập TPP là Mỹ và Nhật Bản, vốn có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật.
 Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội  Nguyễn Gia Phương phát biểu tại hội thảo ngày 6/11.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương phát biểu tại hội thảo ngày 6/11.
Với những lợi thế sẵn có như chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, Hà Nội sẽ có cơ hội thu hút thêm nguồn đầu tư vào bất động sản, dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng cũng như lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp may mặc, chế biến… Hiện đã có nhiều DN Nhật Bản sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng bày tỏ nếu TPP được ký kết, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Lĩnh vực bất động sản với tỷ trọng chiếm phần lớn trong cơ cấu vốn FDI của Hà Nội, TPP là cơ hội lớn cho lĩnh vực này khi “đón sóng” một loạt DN đầu tư nước ngoài tới làm việc tại Thủ đô. Ngành dệt may và nông nghiệp cũng đứng trước nhiều cơ hội khi mức thuế suất giảm về 0% sau TPP. Với 90% dòng thuế xuất khẩu được cắt giảm khi tham gia hiệp định, TP Hà Nội sẽ chủ chương mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên nội khối đầy tiềm năng như Canada, Australia, New Zealand… Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội từ 14 -15%/năm.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với Thủ đô trong bối cảnh không chỉ TPP mà một loạt hiệp định thương mại khác hoàn thành, như sức ép cạnh tranh về thu hút các dòng vốn ngoại, cũng như sự cạnh tranh trong thị trường nội địa. 

Trước những cơ hội và thách thức đó, Hà Nội dự kiến sẽ đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với các nước thành viên trong TPP, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung quảng bá thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. 

Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP, TS. Nguyễn Hùng Sinh – PGĐ Công ty xuất khẩu nông sản Hà Nội cho rằng, Thủ đô cần có kế hoạch hỗ trợ các DN và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa nhất là trong xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và thực thi các chương trình XTTM có hiệu quả. Công tác nghiên cứu và dự báo thị trường, nâng cao chất lượng thông tin, đẩy mạnh XTTM nhằm giữ vững và mở rộng thị trường mới cho xuất khẩu hàng hóa.