Thúc đẩy an sinh, kéo gần khoảng cách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII, Hà Nội đặc biệt quan tâm dành nguồn lực để chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực đã có những bước chuyển nổi bật, để lại những dấu ấn lớn.

 Tỉnh lộ 419, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải
Thêm nhiều dấu ấn
Mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền còn lớn... Nhưng TP đã nỗ lực để kéo dần những khoảng cách ấy. Trong 10 năm qua, TP đã hỗ trợ ngân sách khoảng 18.000 tỷ đồng đầu tư cho các huyện, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… đều được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Qua đó, đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%; tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%.
TP đã không còn phòng học tạm dột nát và tình trạng phải học 3 ca; 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân từ 13 triệu đồng/người năm 2008 tăng lên 38 triệu đồng/người năm 2017 (gấp 3 lần) và đến tháng 6/2018, con số này đã tăng lên thành 43 triệu đồng/người/năm...

Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong suốt 10 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh.
Ngay sau khi hợp nhất, TP đã rà soát, ban hành nhiều văn bản để đảm bảo sự thống nhất, công bằng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn... Trong đó ban hành nhiều chính sách đặc thù như: Cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hàng tháng cho cựu TNXP... TP không chỉ mở rộng đối tượng miễn giảm học phí đến 13 xã miền núi, 2 xã ven sông, mà còn thực hiện chế độ học phí ở mức thấp nhất và thể hiện sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn. TP cũng đã thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới.

Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành “chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống khu vực nông thôn, kéo gần khoảng cách nông thôn thành thị. Với các chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, trung bình hàng năm, TP có trên 20.000 hộ thoát nghèo, hiện TP không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017 (theo chuẩn mới). TP cũng đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 8.000 ngôi nhà cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hơn 4.000 hộ nghèo trong năm 2018.

Đổi thay rõ rệt

Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng địa giới hành chính và Hà Nội hôm nay. Trong đó, rõ nhất là sự “thay da đổi thịt” ở vùng ngoại thành.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, 10 năm qua, từ xuất phát điểm nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, làng nghề, đến nay huyện đã có bước chuyển mình rõ rệt. Thu nhập của người dân đã tăng từ 7,4 triệu đồng/người/năm lên con số 33 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính...

Tại Thạch Thất, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định: Trong vòng 10 năm, điện, đường, trường, trạm của huyện chuyển biến rất tốt. Từ tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện chỉ đạt 27% đến nay đã đạt 70%.
Từ chỗ rất khó khăn về nước sạch sinh hoạt, đến nay, 70% số hộ dân đã được sử dụng nước sạch (phấn đấu 2020 đạt 100%). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 10 năm trước là 9,3%, tỷ lệ này ở 3 xã thuộc huyện Lương Sơn cũ (nay thuộc Thạch Thất) lên tới trên 21%, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,8%, ở 3 xã trên cũng chỉ còn 1,9%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2007 chỉ là 13 triệu/năm, đến nay tăng lên 52 triệu đồng/năm.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cũng nhấn mạnh, là huyện ngoại thành Hà Nội cũ, Thanh Trì cũng được hưởng nhiều lợi ích từ Nghị quyết 15 của Quốc hội. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 13 triệu đồng/năm, nay tăng lên 45 triệu đồng/năm; thu ngân sách của huyện năm 2008 mới đạt 197 tỷ đồng, năm 2018 dự kiến con số này tăng gấp gần 10 lần đạt 1.747 tỷ đồng.

Những con số từ các địa phương này đã minh chứng sinh động nhất cho những thành quả rất rõ ràng và vững chắc của khu vực nông thôn Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần