Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Chủ tịch Quốc hội khẳng định mạnh mẽ chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được Quốc hội Việt Nam thể chế hóa qua những văn bản pháp lý.

Ngày 2/10 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã diễn ra Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái."
Do tác động của đại dịch Covid-19, Phiên họp được tổ chức theo hình thức: Lãnh đạo và đại diện các nước ghi hình phát biểu để phát tại phòng họp Đại hội đồng tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ).
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trực tuyến, gửi thông điệp quan trọng đến Phiên cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc, Hoa Kỳ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng với lãnh đạo cấp cao 64 nước thành viên Liên hợp quốc đã có thông điệp gửi tới Phiên họp.
Tại Phiên họp, các nước đề cao ý nghĩa của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV (năm 1995) và những tiến bộ đạt được trong 25 năm qua về đảm bảo và thúc đẩy bình giới, trao quyền cho phụ nữ, hướng tới một xã hội công bằng, tiến bộ, không còn rào cản về giới.
 Các nước chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các thách thức trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về giới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tuy đã có những tiến triển trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ không đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Trên cơ sở đó, các nước đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả các biện pháp thực thi trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc bảo đảm yếu tố giới trong các chính sách bảo trợ xã hội, tiếp cận dịch vụ công, đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong thông điệp gửi Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm trao quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí ra quyết định, đồng thời gắn kết chặt chẽ các cơ chế thực hiện ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định mạnh mẽ chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được Quốc hội Việt Nam thể chế hóa qua những văn bản pháp lý quan trọng; nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần tạo dựng bản sắc, truyền thống văn hóa cũng như xây dựng và phát triển xã hội Việt Nam hiện đại ngày nay.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực; đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái tại các diễn đàn quan trọng này và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia nhằm hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng và thế giới hòa bình bền vững.
Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhằm khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên thế giới.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế thống nhất cho rằng hai văn kiện này là các văn bản thống nhất, toàn diện nhất, đặt nền móng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.