Hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, đứt đoạn, kết cấu thiếu đồng bộ là bức tranh toàn cảnh đang đối nghịch với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của Chính phủ Việt Nam. Cũng như tại nhiều quốc gia, Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng bằng kết hợp nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn thông qua phương thức hợp đồng hợp tác công – tư (PPP).
PPP chưa là liệu pháp “cứu cánh” đầu tư cơ sở hạ tầng
Trong áp lực của trần nợ công, một số chuyên gia và nhà quản lý cho rằng PPP là một trong những liệu pháp “cứu cánh” đầu tư kết cấu hạ tầng nước ta. Theo Bộ KH&ĐT, tính đến cuối năm 2018 đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng, trong đó hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) là 140 dự án, hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là 188 dự án và 8 dự án hình thức đầu tư khác, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư.
Không thể phủ nhận lợi ích của các dự án PPP, góp phần cải thiện đáng kể kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian qua nhưng hệ lụy tiêu cực do các dự án PPP gây ra mới là vấn đề đáng quan tâm. Qua kiểm toán 84 dự án BOT và 50 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện PPP còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách.
Do các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động PPP còn kẽ hở nên tiếp tay hình thành các nhóm lợi ích trong thẩm định, phê duyệt, quản lý và giám sát thực hiện tại nhiều dự án PPP. Hệ quả là số tiền ngân sách Nhà nước thất thoát lớn, mức độ thu phí dự án BOT đang đè nặng DN và người dân, trong khi chủ đầu tư luôn kêu lỗ và nợ xấu ngân hàng tăng.
Mục tiêu của PPP là gia tăng nguồn lực, trước hết là nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế tại hầu hết các dự án nhà đầu tư chỉ bỏ vốn đối ứng khoảng 15%, số vốn đầu tư còn lại của dự án là vốn vay ngân hàng được tính lãi theo mức lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Như vậy, khoảng 85% vốn đầu tư của dự án thực chất là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà chủ đầu tư được ủy quyền huy động.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, hầu hết các dự án PPP được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu và chọn nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án. Thực tế không ít nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Lãnh đạo một ngân hàng đang cho vay dự án BOT đã nói thẳng: “Vốn đối ứng chủ đầu tư không có nên đã đẩy cho nhà thầu huy động”.
Dự kiến Luật Đầu tư PPP sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng vào 5 tới. Tuy hiện vẫn còn một số vấn đề lớn trong bản Dự thảo Luật tiếp tục được chỉnh sửa nhưng tinh thần chung là các điều luật theo hướng cởi mở hơn để hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời thắt chặt kiểm soát dự án PPP thông qua các công cụ tài chính, kiểm toán cũng sẽ thể hiện trong bộ luật này.
Điều đó cho thấy Luật Đầu tư PPP sẽ được ban hành là phép thử trong lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, làm ăn minh bạch trong thời gian trung hạn tới. Khi cơ chế thoáng, dung dưỡng các nhóm lợi ích sẽ bị bít lại, việc thu hút đầu tư PPP chắc chắn bị chùng lại trong ngắn hạn, ít nhất từ năm 2020 - 2021.
Có thể nói, phương thức đầu tư PPP cho dù bản chất là tích cực nhưng cơ chế, chính sách còn bất cập, luật pháp điều chỉnh còn kẽ hở thì kỳ vọng PPP như một liệu pháp “cứu cánh” đầu tư cơ sở hạ tầng là không hiện thực. Vì vậy, trong ngắn hạn phải tập trung tối đa cho đầu tư công là vấn đề cấp thiết.
Tập trung tối đa cho đầu tư công là mệnh lệnh
Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chưa thể dự báo thời điểm dừng lại nhưng di chứng của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế là hết sức nặng nề. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kiristalina Georgieva cho rằng, nền kinh tế thế giới đã bước vào cuộc suy thoái nghiêm trọng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.
Để chống đỡ suy thoái hậu dịch Covid-19 tất yếu chúng ta phải thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, kết hợp các giải pháp kinh tế vĩ mô tài khóa - tiền tệ - đầu tư. Trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông được coi là giải pháp quan trọng vì nó có khả năng giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu trong chống đỡ suy thoái.
Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng tạo ra chuỗi cung ứng rất rộng bao gồm hàng loạt DN cùng tham gia, từ cung cấp vật liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, tín dụng; tổ chức sản xuất, thi công đến tư vấn, giám sát, quản lý. Do đó, gia tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đồng nghĩa làm gia tăng sản lượng và việc làm cho các DN của chuỗi cung ứng này. Đồng thời nó cũng trực tiếp đóng góp vào GDP bởi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố nội hàm khi xác định GDP.
Thấy hết tầm quan trọng đó, Chính phủ sẽ kích hoạt đồng thời hai giải pháp khắc phục đầu tư PPP đang chùng lại và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hiện có.
Về khắc phục đầu tư PPP, những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tích cực thực hiện các thủ tục cần thiết chuyển 9 dự án PPP sang đầu tư công do chưa lựa chọn được nhà đầu tư, trong đó có 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là động thái tích cực, kịp thời của Chính phủ.
Đương nhiên điều đó sẽ gây áp lực lên kế hoạch ngân sách đầu tư, cũng như cân đối kế hoạch vốn đầu tư trung hạn. Chuyện này khắc phục được. Thứ nhất, cắt và điều chuyển ngay nguồn vốn các dự án vi phạm giải ngân để đưa vào cân đối. Giờ đây phải bỏ ngay tư duy “khoai sắp vào nồi không thể lấy ra” trong phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn. Thứ hai, trong điều kiện trần nợ công không còn sức ép, nguồn vốn trên thị trường đang hướng mạnh vào các ngân hàng thương mại (vì các kênh đầu tư khác đang bế tắc) là cơ hội để Chính phủ phát hành trái phiếu công trình.
Về giải ngân vốn đầu tư công, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cần phải giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 (chuyển nguồn) và kế hoạch năm 2020 gần 700.000 tỷ đồng, làm quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm. Chỉ đạo của Thủ tướng là như vậy nhưng hiện thực ra sao vẫn là ẩn số.
“Có tiền mà không tiêu được” là cụm từ phản ánh câu chuyện buồn về giải ngân vốn đầu tư công chậm từ nhiều năm nay ở nước ta. Các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư thường nghiêng về đổ lỗi cho cơ chế hoặc khó khăn trong giải phóng mặt bằng triển khai dự án hoặc một lý do khách quan nào đó, còn chủ quan lại vô can. Thực tế cho thấy nút thắt sức ỳ trách nhiệm, lợi ích nhóm đã và đang chi phối trong câu chuyện đầu tư công.
“Chống dịch như chống giặc” đó là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế chúng ta đã thắng lợi bước đầu. Vậy thì không nghi ngờ gì nữa, “Tập trung tối đa cho đầu tư công giải cứu suy thoái hậu dịch Covid-19” cũng nên coi là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Đã là mệnh lệnh phải có “chế tài xử lý nghiêm” như phát biểu của Thủ tướng. Vấn đề là xử phạt ai? Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương được giao vốn phải bị xử phạt đầu tiên.
Đối với Việt Nam, bóng ma suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra đã lộ dần. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, con số thấp nhất trong 10 năm qua và chỉ bằng 56,2% mức tăng của quý I/2019. Riêng TP Hồ Chí Minh, báo cáo tại cuộc họp HĐND TP diễn ra chiều 27/3 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thanh Phong cho biết nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội sụt giảm, trong đó thu ngân sách giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019. |