Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/10 đã diễn ra hội thảo khởi nghiệp sáng tạo và chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các vườn ươm, doanh nghiệp...

Đặc biệt, tại hội thảo đã công bố đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025” và ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Đại diện ban tổ chức cho biết, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, ngày 9/9/2019 vừa qua, UBND TP đã phê duyệt và ban hành đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND. Để đề án đến được cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế, được sự đồng ý của lãnh đạo UBND TP, Sở KH&ĐT, Sở KH&CN, Sở TT&TT, BK Holdings tổ chức hội thảo công bố đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP Hà Nội.
Tập trung nguồn lực
Trong những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, tăng số doanh nghiệp, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần quốc gia khởi nghiệp, TP Hà Nội cũng là một trong những địa phương tích cực trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Chính quyền TP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp cả nước nói chung.
Ngoài nguồn lực của TP, hàng loạt các trung tâm sáng tạo, các chương trình ươm tạo, không gian làm việc chung ra đời đã đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của cộng đồng; nhiều dự án, công ty khởi nghiệp của TP bước đầu gặt hái những thành quả nhất định, trong đó một số dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc. Nhiều sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp đã được sử dụng làm tặng phẩm biểu trưng của TP trong các sự kiện lớn. Điều này khẳng định sự quan tâm và cam kết của lãnh đạo TP đối với cộng động khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Hình thành hệ sinh thái
Mục tiêu của đề án: Truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng nhất là sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức TP; Kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của TP; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của TP để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; Hỗ trợ hình thành 3 - 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP; Phấn đấu đến 2025: hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Đối tượng của đề án: Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; Các DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội (như vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái KNST); Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Điều kiện tham gia đề án: Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí sau: Người đứng đầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam;
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng khởi nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo một trong các phương thức sau: Được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức, bao gồm: Khu làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh (quy định tại điểm a nêu trên);
Được nhận giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế; Được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; Được lựa chọn trực tiếp bởi hội đồng tư vấn do cơ quan chủ trì (hay cơ quan thường trực) đề án thành lập (quy định trong nhiệm vụ của đề án).
Nhiều chính sách hỗ trợ
Đề án tập trung vào những nội dung hỗ trợ chính sau: Thứ nhất, tăng cường, đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp: Hình thành Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; Hỗ trợ kinh  phí để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí  đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn và các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.
Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ và bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí ươm tạo các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung của Nhà nước hoặc tư nhân.
Thứ tư, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối mạng lưới, kết nối đầu tư; Tổ chức các đoàn ra, đoàn vào, giao lưu hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp (TECHFEST), ngày hội công nghệ (Techmart) cấp TP; Hỗ trợ kinh phí cho dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài; Hỗ trợ kinh phí cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp Thành phố.
Thứ năm, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm: Hỗ trợ kinh phí nghiên cứ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xúc tiến thương mại;  Hỗ trợ kinh phí để thực hiện hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ, thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ…
Thứ sáu, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ tiếp cận tài chính cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Kiến tạo môi trường để thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ bảy, hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội: Trung tâm đóng vai trò kết nối, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút và liên kết các thành phần của hệ sinh thái KNST. Trung tâm có 5 chức năng chính gồm: Quảng bá công nghệ; Tư vấn - Đào tạo; Cung cấp các dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ (R&D); Kết nối mạng lưới.
Các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện tham gia Đề án có thể tiếp cận và liên hệ trực tiếp với Cơ quan thường trực đề án (Trung tâm Hỗ trợ DNNVV - Sở Kế hoạch và Đầu tư) hoặc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn, nộp hồ sơ xin hỗ trợ hoặc tuyển chọn đơn vị thực hiện, triển khai các nhiệm vụ của đề án.