Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam-Ấn Độ: cơ hội và thách thức mới

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia kỳ vọng những giải pháp được đề xuất sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng ngành du lịch của hai quốc gia.

Ngày 7/1, tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi đã diễn ra hội thảo "Thúc đẩy du lịch Việt Nam - Ấn Độ", thu hút sự tham gia của nhiều khách mời quan trọng như: Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya và các chuyên gia đầu ngành. Hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành du lịch của hai quốc gia.

Các chuyên gia thảo luận cơ hội phát triển ngành du lịch tại sự kiện. Ảnh: Tùng Lâm
Các chuyên gia thảo luận cơ hội phát triển ngành du lịch tại sự kiện. Ảnh: Tùng Lâm

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Hai quốc gia chia sẻ nền tảng văn hóa và tôn giáo lâu đời, trong đó Phật Giáo đóng cầu nối quan trọng. Ấn Độ hiện là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á, với nhiều dự án hợp tác trong công nghệ, năng lượng, du lịch và giáo dục. Trong đó, du lịch nổi lên là lĩnh vực tiềm năng với các địa danh linh thiêng như Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na. Những điểm đến này có sức hút lớn đối với Phật tử Việt Nam. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn nổi tiếng với yoga và thiền định, mang đến cơ hội cho các tour du lịch chữa lành.

Tình hình phát triển du lịch Việt Nam - Ấn Độ

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, cho biết sau đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch giữa hai nước đã có sự cải thiện rõ rệt. Việc mở lại các đường bay thẳng và sự tham gia của nhiều hãng hàng không đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh lượng khách du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cả hai quốc gia cũng như các nguồn lực về du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Cơ chế, chính sách và cách tiếp cận của các doanh nghiệp du lịch còn chưa phù hợp, dẫn đến việc chưa tận dụng tốt các yếu tố văn hóa và con người để tạo lợi thế cạnh tranh.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tùng Lâm
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tùng Lâm

Trong khi đó, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cho biết số lượng khách du lịch tại quốc gia Nam Á này đến Việt Nam đang tăng nhanh, ước tính đạt hơn 500.000 khách vào năm 2024, tăng khoảng 30% so với 3 năm qua. Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Ấn Độ cũng tăng khoảng 32% so với năm 2002, đạt 57.000 khách vào năm 2023. Ông khẳng định lãnh đạo cấp cao của hai nước đều đánh giá cao tiềm năng hợp tác du lịch và cam kết thúc đẩy lĩnh vực này.

Mở rộng kết nối hàng không và cơ chế thị thực

Hiện có 56 chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, và theo một số nguồn tin, dự kiến sẽ tăng thêm 14 chuyến bay nữa, kết nối 6 TP của Ấn Độ với Việt Nam. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Indigo đang tích cực mở rộng các đường bay thẳng.

Đề cập đến cơ chế thị thực, Đại sứ Sandeep Arya cho biết thị thực điện tử đang hoạt động hiệu quả, với số lượng thị thực và khách du lịch tăng so với năm trước. Ông đề xuất cần phải triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kết hợp các hoạt động thương mại, văn hóa, tâm linh để thu hút khách. Ông cũng mong muốn có nhiều bài báo, nghiên cứu khoa học về du lịch Ấn Độ - Việt Nam, đồng thời cam kết sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, truyền thông nhằm quảng bá du lịch hai nước.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đánh giá cao tiềm năng du lịch của hai quốc gia. Ảnh: Tùng Lâm
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đánh giá cao tiềm năng du lịch của hai quốc gia. Ảnh: Tùng Lâm

Ông Tôn Sinh Thành, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đang tăng nhanh, đạt mức tăng trưởng khoảng 2,3 lần so với năm 2019, vượt xa các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Trong Top 20 thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất đến Việt Nam năm 2024, thị trường Ấn Độ đứng thứ 3, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Tỷ lệ phục hồi của thị trường Ấn Độ sau đại dịch Covid-19 rất ấn tượng, đạt gần 297% so với năm 2019.

Những thách thức và giải pháp

Dù có nhiều ưu điểm, du lịch Ấn Độ vẫn đối mặt với một số hạn chế như tình trạng rác thải, ô nhiễm và thiếu nước uống an toàn tại một số khu vực. Một số khu vực xảy ra tình trạng lừa đảo, đặc biệt ở các điểm du lịch đông đúc. An toàn cá nhân, đặc biệt là với nữ du khách, cũng là vấn đề đang được quan tâm. Sự khác biệt lớn về phong tục, tập quán, cũng như ẩm thực đậm gia vị, cay nồng của Ấn Độ có thể khiến nhiều du khách Việt Nam gặp khó khăn trong việc thích nghi.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Tùng Lâm
Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Tùng Lâm

Trước những thách thức, các chuyên gia kiến nghị một số giải pháp như: mở thêm các đường bay thẳng, hợp tác với các hãng hàng không để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách; xem xét miễn thị thực cho khách Ấn Độ, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; tổ chức các sự kiện, hội chợ du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là du lịch MICE – loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và đám cưới.

Ấn Độ là điểm đến nhiều tiềm năng cho du khách Việt Nam nhờ vào sự đa dạng văn hóa, lịch sử và giá trị tâm linh. Các chuyên gia kỳ vọng với những giải pháp được đề xuất và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, thị trường du lịch Việt Nam - Ấn Độ có thể phát triển mạnh mẽ, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác song phương cũng như mang lại giá trị kinh tế và văn hóa cho cả hai quốc gia.