Hà Nội:

Thúc đẩy khoa học, công nghệ để phát triển kinh tế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa học và công nghệ (KHCN) được Hà Nội xác định là trụ cột vững chắc, động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, để ngành KHCN phát huy hết tiềm năng, cần một chính sách mang tính đột phá.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Với vị trí là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội có nhiều lợi thế về mặt KHCN. Đầu tiên là có hạ tầng KHCN mạnh nhất cả nước, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng nhà khoa học nhiều nhất và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực KHCN Quốc gia.

Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước (cả về đầu tư từ ngân sách cũng như của các DN). Thứ ba, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KHCN cũng như số lượng công bố quốc tế. Chính vì thế, tác động của KHCN với phát triển kinh tế - xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất cả nước.

Mũ cách ly di động là 1 trong 10 sự kiện khoa học & công nghệ tiêu biểu năm 2021
Mũ cách ly di động là 1 trong 10 sự kiện khoa học & công nghệ tiêu biểu năm 2021

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn thừa nhận, thời gian qua, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về KHCN chưa hoàn thiện; chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và DN còn yếu. 

Bên cạnh đó, thị trường KHCN ở Hà Nội còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ.

Đối với việc huy động các nguồn lực xã hội và DN đầu tư cho phát triển thị trường KHCN chưa hiệu quả, còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Mặt khác, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định cơ chế, chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng về KHCN còn thấp. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Số DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn ít so với tổng số DN trên địa bàn. Hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng về KHCN còn thấp. Kết quả thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ về làm việc tại Thủ đô còn hạn chế.

Cần chính sách mang tính đột phá

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời, xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Trong đó, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035, và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045. 

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN của Thủ đô đó là triển khai các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11/8/2021 của UBND TP, về việc triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025”. Tiếp tục hoàn thiện xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KHCN.

Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế chính sách mang tính đột phá, đặc thù về KHCN đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, để từ đó huy động hiệu quả nguồn lực xã hội và DN đầu tư phát triển thị trường KHCN. Bởi thời gian tới, các DN sẽ là “chủ đầu tư” lớn nhất với lĩnh vực đầu tư phát triển KHCN, do đó cần các cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư này.

Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất thí điểm phát triển loại hình DN KHCN tại các viện, trường theo mô hình DN khởi nghiệp. Song song với đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, phát triển mạnh lực lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành KHCN trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị ngành KHCN cần đẩy mạnh phong trào sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn; rà soát, hoàn thiện, triển khai Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2019 – 2025”. Triển khai các chương trình KHCN theo hướng tinh gọn, thiết thực, lấy DN làm trung tâm, tăng cường gắn kết trực tiếp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của DN lớn trên địa bàn, các chương trình KHCN quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Đặc biệt là chú trọng việc kết nối, huy động trí tuệ của các cơ sở nghiên cứu, các cục, vụ, viện trên địa bàn TP Hà Nội, tạo ra sân chơi, đầu mối thu hút nhân tài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần