Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ KH&ĐT công bố sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm được dẫn dắt bởi khối kinh tế tư nhân.

Sáng kiến này hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, được biết đến là tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố. Ảnh: Khắc Kiên
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố. Ảnh: Khắc Kiên

Đây là bộ tiêu chuẩn thường được các nhà đầu tư sử dụng để đo lường cách thức mà một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với cộng đồng, áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm.

Theo Thứ trường Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, những năm gần đây, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, khi chiếm 40% GDP và 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực tư nhân trong nước hiện còn yếu và đang phải đối mặt những diễn biến của dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới như: Lạm phát, giá xăng dầu tăng cao… đặt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn.

Hiện những cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế cacbon, công cụ kiểm chứng carbon đang áp dụng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế mới, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tham gia , tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó, sáng kiến được công bố sẽ là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành các mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tích cực thực hành theo phương pháp này, hướng tới nền kinh tế bền vững hơn.

Đồng quan điểm, Giám đốc Khu vực châu Á của USAID Michael Schiffer cho biết, mặc dù là nguồn tạo việc làm chính nhưng các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam lại gặp nhiều thách thức trong phát triển bền vững. 

Đây là một sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs). Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng hơn, luôn quan tâm đến tác động của họ đối với cộng đồng và đi đầu trong việc xem xét ý kiến đóng góp của các bên liên quan, có xu hướng đạt được mức tăng trưởng nhất quán và có tính chống chịu cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Sáng kiến mới này mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp quan tâm đến ESG, qua đó thúc đẩy và trao đổi các thực tiễn tốt nhất. Mục tiêu đến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 SGB, trong đó 10 SGB sẽ nhận được hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo. 

Sáng kiến mới này sẽ được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), với tổng số vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ. IPSC hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ doanh nghiệp cản trở sự phát triển của SGBs...

Tại diễn đàn đã diễn ra phiên tọa đàm "Hành trình ESG: Cơ hội và thách thức". Các chuyên gia, doanh nghiệp đã gợi mở những cơ hội và thách thức khi thực hành khung đánh giá ESG hướng tới tăng trưởng bền vững. Đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để hỗ trợ khu vực tư nhân áp dụng thực hiện.

Đọc tiếp