Chọn vấn đề cụ thể mang tính đột phá
Để thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị của TP đã xây dựng kế hoạch hàng năm, chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính chất đột phá để tập trung giải quyết. Như ở cấp TP, việc học và làm theo Bác được thể hiện ở việc xây dựng phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Từ 200 vụ việc phức tạp được chỉ ra từ năm 2017, hiện TP đã chỉ đạo giải quyết, đưa ra khỏi danh sách theo dõi 144 vụ việc, góp phần quan trọng ổn định tình hình từ cơ sở. |
Tinh thần này đã được lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua bằng nhiều việc làm cụ thể. Tiêu biểu như việc ban hành hai bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và nơi công cộng; ban hành và triển khai hiệu quả nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Đến nay, những vấn đề bức xúc, tồn đọng của Nhân dân, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết, có chuyển biến rõ nét.
Nhiều việc mới, việc khó khác cũng được Hà Nội chủ động thực hiện. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước thực hiện đại trà dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Cụ thể và sát thực tiễn
Không chỉ ở cấp TP, ngay từ khi có Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai vào thực tiễn, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân rộng. Trong đó, Huyện ủy Phúc Thọ đã xây dựng trang media trực tuyến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Quận ủy Tây Hồ tổ chức Hội thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát hành sổ tay dành cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, xác định nội dung học và làm theo Bác theo từng năm. Quận ủy Long Biên xây dựng kế hoạch tu dưỡng cá nhân và niêm yết công khai kế hoạch cá nhân của người đứng đầu để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát... Thị ủy Sơn Tây tổ chức thao giảng chuyên đề toàn khóa và giáo dục truyền thống cách mạng trong hệ thống giáo dục quốc dân…
Điển hình khác như tại quận Nam Từ Liêm, đơn vị đầu tiên trong số 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Từ các cơ quan của quận đến UBND các phường đã xây dựng và thực hiện phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả); “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà Nhân dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần)… Tất cả những việc làm đó tuy nhỏ, nhưng đã mang lại những thiện cảm cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa những người thực thi công vụ với người dân, DN.
Tại nhiều đơn vị, việc học tập, làm theo Bác cũng được gắn với nhiệm vụ chính trị, để qua đó nâng cao vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách được giao; chịu trách nhiệm cụ thể với từng lĩnh vực, địa bàn được phân công. Qua việc khắc phục những tồn tại, hạn chế tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hay đã khiến việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội.