Thực hiện chính sách người có công cần công bằng, đúng đối tượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp phiên giải trình về kết...

Kinhtedothi - Ngày 18/8, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp phiên giải trình về kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong đó, vấn đề rà soát để tránh sai sót trong thực hiện chính sách, giải quyết những vướng mắc trong việc công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng… đã được đặt ra.Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu người có công. Trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Các chính sách ưu đãi đối với người có công được khẳng định đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra hàng loạt những khó khăn như còn một số ít trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ do vướng về giấy tờ. Với chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở cũng gặp vướng mắc do cơ sở thống kê, rà soát chưa kịp thời, không đúng hướng dẫn, do đó, việc hỗ trợ còn khá lúng túng. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao quà cho gia đình chính sách ở huyện Hoài Đức chiều 4/2/2013.      Ảnh:  Anh quý
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao quà cho gia đình chính sách ở huyện Hoài Đức chiều 4/2/2013. Ảnh: Anh Quý
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đặt vấn đề: Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, do chính sách mới đã được ban hành, nhưng văn bản hướng dẫn chậm, khiến một số trường hợp vẫn hưởng chính sách cũ, dẫn đến việc phải truy thu một khoản tiền không nhỏ, tạo ra bức xúc trong dư luận. Thừa nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã đề nghị Chính phủ là không truy thu các trường hợp đã nhận trợ cấp trước khi văn bản hướng dẫn ban hành và có hiệu lực thi hành. 

Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi làm thế nào để tránh chuyện địa phương lợi dụng sự ưu đãi từ chính sách để trục lợi cũng được làm rõ. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Từ năm 2008 - 2013 qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của 7.085 đối tượng do không đủ điều kiện hưởng chính sách, trong đó riêng thương binh là 4.016 người, thu hồi 75.660 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh: Chính sách ưu tiên cho người có công thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên phải thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách. Không sợ sau rà soát số lượng người hưởng chính sách tăng lên, quan trọng là xác định đúng đối tượng, tạo sự công bằng. 

Với những lúng túng trong thực hiện các chính sách với người bị nhiễm chất độc hóa học, thanh niên xung phong mất giấy tờ gốc… mặc dù lãnh đạo Bộ LĐTB&XH giải thích rằng đang cố gắng để thực hiện, đảm bảo đúng quy trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành hữu quan cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân không phải mất nhiều thời gian đi lại. Chẳng hạn, vấn đề chất độc màu da cam khiến nhiều người vô sinh nhưng phải đợi đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam mới được công nhận là vô sinh thì quá cứng nhắc, phải hạ độ tuổi này xuống. Bà Mai khẳng định, vấn đề chính sách vướng, chậm triển khai là do thủ tục. Vì vậy, phải nhanh chóng sớm tháo gỡ những ách tắc này.

 
Một vấn đề được đặt ra trong phiên giải trình là hiện tượng tranh chấp thờ cúng, làm hồ sơ phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng đang bị vướng với những trường hợp đã tái giá, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, với vợ liệt sĩ tái giá có một con duy nhất là liệt sĩ, nếu đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thì không cần hướng dẫn nữa mà nên xét phong tặng danh hiệu. Vấn đề tranh chấp xem ai được thờ cúng liệt sĩ, ai là người được lập hồ sơ phong tặng, truy tặng nên có văn bản hướng dẫn giao cho Chủ tịch xã, phường quyết định.