Cơ hội song hành thách thức
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi 16 FTA, giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở hơn 50 quốc gia, bao gồm hầu hết đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Đặc biệt, với việc ký kết và thực thi các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ và chất lượng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Một điều không thể phủ nhận được là những năm qua với việc thực thi nhiều FTA thế hệ mới cùng áp dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý đã tạo nên cơ sở sở vững chắc đảm bảo an ninh tài chính đối ngoại nói riêng và an ninh tài chính quốc gia nói chung. Theo báo cáo của NHNN đến đầu tháng 3/2022, lần đầu tiên Việt Nam có dự trữ ngoại tệ lớn nhất đạt gần 110 tỷ USD. Đạt được mức dự trữ ngoại tệ lớn như vậy có sự đóng góp tích cực của việc thực thi các FTA thế hệ mới.
Các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA được coi là FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Các hiệp định này có mức độ tự do hóa cao cho lĩnh vực thương mại, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… cùng những quy tắc thương mại tiên tiến. Bởi vậy, các hiệp định này không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng thương mại với những nền kinh tế tham gia hiệp định mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các FTA thế hệ mới đã thiết lập những tiêu chuẩn mới cho tự do hóa thương mại, đầu tư, nhưng cũng có thể tạo ra bất ổn nhất định về tình hình tài chính với DN và quốc gia tham gia. Trước hết, các FTA thế hệ mới hướng tới mục tiêu tự do hóa hoàn toàn thương mại.
Trên thực tế, các FTA thế hệ mới thường đạt mức độ tự do hóa gần như 100% hàng hóa. Hầu hết thuế quan được loại bỏ sau 5 - 7 năm từ khi hiệp định có hiệu lực. Nhiều mặt hàng của các nước đối tác trong FTA cũng được hưởng mức thuế suất ưu đãi và nâng cao sức cạnh tranh và gây áp lực với những sản phẩm hàng hóa trong nước. Ngoài ra, những biến động khó lường trên thị trường vốn trong nước và quốc tế cũng có thể gây ra rủi ro về lãi suất và tỷ giá, ảnh hưởng đến khả năng huy động và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới cần được xem xét thỏa đáng.
Thắt chặt an ninh tài chính
Việt Nam là quốc gia có hệ thống tài chính, kinh tế còn ở giai đoạn phát triển nên dễ bị tổn thương khi có các tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và những khó khăn từ nội tại nền kinh tế. Từ đó, vấn đề đảm bảo an ninh tài chính luôn được đặt lên hàng đầu và cho đó là lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu.
PGS.TS Lê Tiến Thuận nêu quan điểm, trong bối cảnh toàn cầu hoá, muốn bảo đảm an ninh kinh tế thì trước hết phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không chỉ chú ý các điều kiện của riêng mình mà cần hài hòa, cùng hợp tác với quốc gia khác. Nói cách khác, an ninh tài chính trong bối cảnh toàn cầu hóa là an ninh tương tác. Do vậy, việc tăng cường liên kết với nhau là giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống những cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc khủng hoảng cơ cấu, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính bền vững trong tăng trưởng.
Trong giai đoạn 2022 - 2030, dự báo nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu. Do đó, việc thực thi các FTA thế hệ mới phải đặt trong tổng thể 20 chiến lược đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.
PGS.TS Lê Tiến Thuận
Một giải pháp quan trọng nữa là cần cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ lệ thu nội địa, từ đó góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Cùng với đó, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...; tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công nhằm huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường tài chính. Đẩy mạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường chứng khoán; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động thị trường, đẩy mạnh phát triển các định chế trung gian. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của cơ chế điều phối giám sát tài chính, tăng cường chia sẻ thông tin, nhận diện rủi ro và phối hợp chính sách giữa các cơ quan giám sát trong mạng lưới an toàn tài chính để đảm bảo ổn định tài chính.
Xem xét áp dụng mô hình giám sát hợp nhất để khắc phục những hạn chế của mô hình giám sát riêng lẻ, và giám sát được đầy đủ hoạt động liên thị trường của các định chế trung gian tài chính; đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan giám sát tài chính trên thế giới để giám sát rủi ro xuyên biên giới, rủi ro hệ thống, nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an ninh thị trường tài chính và giảm thiểu rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.