Thực hiện phí tác quyền âm nhạc: Vẫn chưa có hồi kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Độ vênh” về quy định thực hiện phí tác quyền âm nhạc trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL dậy sóng dư luận mấy tuần nay.

Tuy nhiên, ngày 20/4, những thắc mắc mới phần nào được cơ quan quản lý giải đáp trong hội nghị phổ biến nghị định và thông tư.

Nhạc sĩ bức xúc

Giới làm nhạc được phen khấp khởi khi Nghị định 15 có phần siết chặt các quy định đóng phí tác quyền âm nhạc đối với các công ty, đơn vị tổ chức biểu diễn. Theo Nghị định 15 quy định, thủ tục đầy đủ để xem xét cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có “văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Trước tình trạng lảng tránh nghĩa vụ đóng tác quyền âm nhạc đang xảy ra tràn lan tại Việt Nam, Nghị định 15 là tín hiệu vui để các nhạc sĩ kỳ vọng quyền tác giả của mình sẽ được pháp luật bảo vệ triệt để; các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tuân thủ nghiêm.
Một buổi biểu diễn âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Một buổi biểu diễn âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, trong Thông tư số 01, hướng dẫn thực hiện Nghị định 15 chỉ còn “văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Nghĩa là, những quy định về tác quyền âm nhạc sẽ lại chẳng có gì mới so với các quy định trước đây. Nhạc sĩ Doãn Nho tỏ ra hoài nghi với Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), đơn vị soạn thảo thông tư, khi để xảy ra quá nhiều lỗ hổng hướng dẫn thực thi tác quyền âm nhạc. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bày tỏ quan điểm: “Thông tư cần thể hiện sự tôn trọng các nhạc sĩ, đúng quy định không thể là một văn bản sơ sài, ở đó chỉ có lời hứa của đơn vị biểu diễn, không có sự hiện diện của tác giả”. Không tin vào bản cam kết mà Thông tư quy định, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng “đó chỉ là hứa suông không hơn không kém, do một bên tự biên tự diễn”.

Nhà quản lý cho rằng đã thỏa đáng

Trước phản ứng của dư luận, đơn vị soạn thảo Thông tư 01 là Cục NTBD không một lời hồi âm. Đến hội nghị phổ biến Nghị định và Thông tư diễn ra sáng 20/4, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD và các chuyên viên vẫn lảng tránh câu hỏi của giới truyền thông. Phải đến khi các đại biểu thắc mắc, ông Chương mới thông tin: “Không dưới 4 lần đại diện Bộ VHTT&DL và các bộ, ban, ngành liên quan phải ngồi bàn thảo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đưa ra được quan điểm thống nhất trong các văn bản này. Quan điểm của các đơn vị quản lý là phải cải cách hành chính khi sửa đổi Nghị định”. Chính vì vậy, theo quan điểm của Cục NTBD, bản cam kết nộp phí tác quyền âm nhạc của đơn vị tổ chức là đủ cơ sở cấp phép biểu diễn. “Pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự. Bản cam kết là hành lang pháp lý tương đối thoáng để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tác quyền âm nhạc” – ông Chương cho biết thêm.

Cùng quan điểm với Cục NTBD, NSND Trần Bình cho rằng không thể có một loại “giấy phép con” về tác quyền âm nhạc như vậy. Và việc thực hiện tác quyền âm nhạc ở Việt Nam không thảm hại như nhiều lời phản ánh. Bằng chứng là từ đơn vị có doanh thu vài tỷ đồng, 17 năm sau, Trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam đã có doanh thu hơn trăm tỷ đồng. Hơn nữa, văn bản cam kết thực hiện tác quyền âm nhạc của công ty tổ chức biểu diễn là cơ sở để các tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép lần sau. Ông Chương dẫn giải bằng chứng từng từ chối cấp phép biểu diễn cho Công ty Đông Đô, sau khi có phản ánh đơn vị này nợ phí tác quyền trong một chương trình ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. “Ít văn bản ràng buộc thì các đơn vị quản lý sẽ phải vất vả hơn. Song, chúng ta không thể đưa ra nhiều quy định cấp phép nhiêu khê khiến DN và người dân phản ứng” – Cục trưởng Cục NTBD bày tỏ.

Xem ra, để xác minh việc Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 15 có tiếp tay cho vi phạm tác quyền âm nhạc hay không? Hay cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa không sai, đang rút dần khoảng cách của các thủ tục hành nhiễu người dân sẽ cần thời gian để tiếp tục đong đếm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần