Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự có Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Phước Lộc; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn...
Góp phần phát triển kinh tế, xã hội
Báo cáo do Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương trình bày cho thấy, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120 của Bộ Chính trị (khóa XI), Thành ủy Hà Nội đã chủ động triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo từ TP đến cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015 đã khảo sát, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở 400 đơn vị và từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay đã kiểm tra 205 đơn vị.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định 2200 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn. Sau hơn 1 năm, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã tổ chức 6 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 81 hội nghị đối thoại; 468/584 xã, phường, thị trấn tổ chức 751 hội nghị đối thoại… qua đó đã kịp thời tiếp thu, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân ngay từ cơ sở.
Đặc biệt, việc thực hiện QCDC gắn với vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được Hà Nội triển khai hiệu quả. Đến nay, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. |
Thực hiện QCDC phải gắn nhiệm vụ chính trị của thành phố
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao những kết quả của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đã đạt được trong quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 30, Kết luận số 120 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04 của Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cụ thể hoá phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, coi việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP cũng đề nghị phải gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các Quyết định 217, 218-QĐ/TW để phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ tiêu cực, sai phạm của cán bộ và những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, việc thực hiện QCDC phải gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP; của các cơ quan, đơn vị, nhất là Quyết định 6525, Quyết định số 2200 của Thành ủy về tiếp xúc, đối thoại; Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền các mô hình “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Nhân dịp này, Ban Dân vận T.Ư đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” năm 2018 cho 7 cá nhân; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; UBND TP tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 15 cá nhân có mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu. |