Thực hư giá đất nền tại Hà Nội tăng cao

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng thời gian trầm lắng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu quý IV/2020 đất nền dự án và trong khu dân cư tại một số địa bàn của TP Hà Nội như Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh... đã đánh dấu sự trở lại bằng đợt tăng giá mới.

Theo đánh giá, nguồn cung khan hiếm chính là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá BĐS nhưng giá tăng cao khiến nhiều DN rút lui khỏi thị trường. 
Đất ven đô... lại “sốt”?

Anh Nguyễn Quốc Tuân - môi giới BĐS ở khu vực xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, giá BĐS nói chung và đất nền nói riêng tại địa bàn huyện Hoài Đức có sự gia tăng mạnh, đặc biệt là đất nền.
Đơn cử, tại Khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, mức giá hiện nay đã cao gấp 2 – 3 lần so với thời điểm mới được triển khai (năm 2008). Cụ thể, tại phân khu shophouse Hinode Royal Park của dự án này được rao giá bán 50 triệu đồng/m2, tăng 40%, thậm chí ở khu vực gần mặt đường 17m, giá bán có thể lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2, gấp 2,5 lần so với giá đầu thời kỳ hoàng kim trước đây.
 Nhân viên môi giới bất động sản tại một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
“Theo kế hoạch, huyện Hoài Đức sẽ được nâng cấp hành chính thành quận, cùng với đó, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông đô thị đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn. Nhiều nhà đầu tư đi trước đón đầu cơ hội này, khiến cho giá đất tăng nhanh” - anh Nguyễn Quốc Tuân cho hay.

Liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, từ giữa năm 2019, huyện đã cơ bản thực hiện xong công tác GPMB để triển khai dự án xây dựng tuyến đường 3,5 đi qua địa bàn. Đến đầu tháng 10/2020, huyện tiếp tục khởi công tuyến đường Lại Yên – Vân Canh.
“Đường Lại Yên – Vân Canh là một trong những dự án trọng điểm UBND TP Hà Nội giao cho huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, triển khai nhằm tạo ra tuyến đường có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt. Kết nối giao thông các tuyến đường liên khu vực đang được dự kiến đầu tư, khu công nghiệp, khu đô thị với đường Vành đai 3,5, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương” – ông Nguyễn Hoàng Trường cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Vietracimex, việc huyện Hoài Đức được đẩy mạnh kiện toàn hệ thống hạ tầng chưa có tác động đến giá bán sản phẩm của Công ty và khu vực lân cận. Tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển", dự án Khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch, huyện Hoài Đức được TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư mới thay thế cho quyết định của tỉnh Hà Tây trước đây.
“Chủ đầu tư đang chuẩn bị khởi động lại dự án, nhưng hiện nay, chưa mở bán và cũng chưa công bố giá bán. Những ngày gần đây, giá sản phẩm tại dự án liên tục “nhảy múa” do một số môi giới làm giá nhằm gây sóng cho thị trường” - đại diện Công ty Vietracimex cho hay.

Khảo sát thực tế tại một số khu vực thuộc xã Đồng Trúc, Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), hay Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) thông qua các sàn giao dịch giá đất đều đã được “thổi” lên gấp từ 1,5 - 2 lần trước đây. “Nhưng thực tế số lượng giao dịch rất ít, những sản phẩm giao dịch được thì giá cũng bình ổn ở mức ngang bằng so với thời điểm cuối năm 2019” - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đình Nghi cho hay.

Cẩn trọng nguy cơ “chôn vốn”

Theo Giám đốc thị trường (Công ty JLL Việt Nam) Nguyễn Hồng Vân, BĐS vùng ven đô Hà Nội, đặc biệt tại những khu vực như Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây... đã có nhiều dự án BĐS lớn được triển khai. Theo quy luật phát triển, ở nơi nào được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS.
“Thời gian vừa qua, khu vực Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây đã thu hút được một số dự án BĐS lớn. Không những thế, nơi đây còn có lợi thế về phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Với những lợi thế như vậy, dự báo trong thời gian tới, thị trường BĐS khu vực này sẽ phát triển mạnh và giá các sản phẩm sẽ tiếp tục tăng” - bà Nguyễn Hồng Vân nhận định.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng cung mới từ các dự án BĐS tại Hà Nội rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm ở vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… tỷ lệ hấp thụ luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Sản phẩm phân khúc trung - cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt với phân khúc cao cấp, nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tuy nhiên, giá đất nền tại các dự án do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại này có biến động tăng.

“Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng, giá đất tại một số khu vực đã bị đẩy lên quá cao so với mức giá thị trường. Đây là mức giá không thực tế vượt quá khả năng mua của người dân. Vì thế, nhiều DN khi vào khảo sát để xin chủ trương đầu tư đã phải rút lui ngay từ thời điểm nghiên cứu đầu tư, do mức giá thị trường cao dẫn đến giá bồi thường GPMB lớn, không đảm bảo lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư cũng vì thế mà đang bị “chôn vốn”, rủi ro rất lớn” - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.

"Những quyết định chiến lược của Chính phủ liên quan đến phát triển các đô thị vệ tinh và khởi động hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm, như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5... cùng với những dự án hạ tầng được đầu tư với hàng tỷ USD đã tạo ra một cú hích lớn cho kế hoạch xây dựng khu đô thị vệ tinh. BĐS là lĩnh vực ghi nhận sự cộng hưởng lớn nhất từ cú hích này. Mặc dù có giai đoạn bấp bênh theo thị trường nhưng BĐS tại những khu vực này chỉ có thể lên chứ không thể xuống" - Chuyên gia về quy hoạch - quản lý đô thị TS.KTS Hoàng Hữu Phê.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần