Theo người dân địa phương, cây bóng mát trên đường Kim Đồng và đường Giải Phóng có tuổi từ 5 - 25 năm. Trong đó, một số cây mới được trồng giai đoạn 2016 - 2017 thuộc chương trình “Một triệu cây xanh” của TP Hà Nội. Chính vì vậy, việc chặt hạ hàng loạt cây vào tối 8/4, lập tức được dư luận lên tiếng, nhiều boăn khoăn, thắc mắc, thậm chí cả nghi ngờ đã xuất hiện.
Công khai thông tin
Sự việc xảy ra vào ngày nghỉ cuối tuần nên phải rất khó khăn, phóng viên mới có được thông tin Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 là đơn vị đã tiến hành chặt hàng loạt cây vào tối 8/4 như dư luận.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Hiện nay, muốn chặt được cây xanh đô thị, với bất cứ lý do gì cũng phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo đúng Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về quản lý đô thị".
Trên địa bàn Thủ đô, mọi cá nhân, đơn vị phải tuân thủ Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND của UBND TP về Quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú. Với Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, mọi khâu lại càng phải làm đúng quy định vì đây là công trình trọng điểm của TP.
Được biết, trước đó ngày 17/1/2022 Sở Xây dựng Hà Nội đã có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phương án xử lý cây bóng mát, cây bụi thuộc phạm vi Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai. Theo đó, trong phạm vi dự án Dự án cần di chuyển, chặt hạ 174 cây bóng mát, 20 khóm cây bụi, 800m2 cỏ lá tre. Trong đó 151 cây thuộc chủng loại cây đô thị gồm: Ban, bàng, bằng lăng, chẹo, giáng hương, hoa sữa, sấu… và có 23 cây không thuộc chủng cây đô thị gồm cau vua, dướng.
Trước đó, ngày 2/12/2022, UBND phường Giáp Bát đã tổ chức họp dân để tham gia ý kiến về dịch chuyển, chặt hạ cây xanh trong quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng.
Bà Phùng Thị Lý Hà (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi còn nhớ buổi họp hôm ấy, phường đã đưa sơ đồ mặt bằng, chỉ rõ hồ sơ từng loại cây cần dịch chuyển, chặt hạ để người dân bàn bạc. Theo đó, để triển khai dự án TP phải dịch chuyển, chặt hạ cây bị chết”. Được biết, tại buổi họp đó người dân đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho chủ đầu tư, UBND phường Giáp Bát các nội dung xoay quanh vấn đề bảo đảm cảnh quanh môi trường của tuyến đường Kim Đồng.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức cho biết: “Theo quy định tại Quyết định 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của TP về phê duyệt ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND quận Hoàng Mai sẽ là đơn vị cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên cơ sở phương án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đề xuất. Đến nay, các khâu thủ tục đã được quận Hoàng Mai hoàn thành đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ của dự án”.
Ông Đức chia sẻ, cây xanh là vấn đề nhạy cảm, luôn được người dân quan tâm, do đó Ban Quản lý dự án đã chủ động phối hợp với UBND phường Giáp Bát tiến hành tham vấn ý kiến người dân, tuyên truyền rộng rãi về việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm các công trình ngầm, nổi, cây xanh, chiếu sáng…) nằm trong phạm vi thi công Dự án.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, trước khi tiến hành thực hiện việc chặt hạ, di chuyển cây, UBND quận Hoàng Mai và phường Giáp Bát đã công bố thông tin rộng rãi về công tác chặt hạ, dịch chuyển, trồng lại và chăm sóc cây xanh để Nhân dân giám sát. Theo đó, thời gian chăm sóc các cây dịch chuyển và trồng lại là 12 tháng, nếu để cây chết thì đơn vị thực hiện phải trồng thay thế.
Thận trọng khi triển khai
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng trao đổi thêm: “Trên cơ sở chỉ đạo của TP và rà soát lại thực tế, ngày 4/4/2023 quận Hoàng Mai đã cấp Giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh, thời hạn 30 ngày. Thực tế chỉ chặt hạ 140 cây (ít hơn đề xuất 8 cây), trong đó dịch chuyển 114 cây, chặt hạ 26 cây (trong đó có 22 cây cau vua). Quan điểm của chúng tôi là phải bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông, công khai thông tin để Nhân dân giám sát và ủng hộ”.
Theo phương án này, các cây di chuyển được trồng cố định tại vị trí còn khuyết trên phố phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), còn lại 49 cây có đường kính trên 30cm như bằng lăng, phượng, chẹo… sẽ được trồng cố định tại nút giao thông Vành đai 3 với Quốc lộ 5 hướng đi Hải Phòng (bên phải). "22 cây cau vua thuộc dải phân cách đường Kim Đồng bị chặt hạ tối 8/4 đều tóp thân, già cỗi và không thuộc nhóm cây đô thị đều phải chặt hạ" - ông Nguyễn Văn Đức nói.
Để sử dụng hiệu quả các cây xanh hiện trạng trên tuyến phố, đơn vị tư vấn đã xây dựng phương án dịch chuyển các xanh về vườn ươm để chăm sóc và trồng lại trên tuyến sau thi công để lãng phí, thất thoát.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân phường Giát Bát cho rằng, Nhân dân ủng hộ việc chặt hạ, dịch chuyển để đảm bảo tiến độ Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng. Đây là dự án chào mừng 20 năm thành lập quận Hoàng Mai (2003 - 2023) đang rất cần thi công gấp rút theo tiến độ đã được TP phê duyệt.
Nhưng sau khi chặt hạ, dịch chuyển người dân rất mong chủ đầu tư sớm trồng lại và chăm sóc cây xanh đúng như quy định, trong đó UBND quận Hoàng Mai phải có trách nhiệm đôn đốc. Hơn ai hết, người tham gia giao thông hiểu được giá trị của cây xanh bóng mát vào những ngày Hè nóng nực.
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng được UBND TP Hà Nội giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư với mục tiêu hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả đầu tư, giảm ùn tắc giao thông và tạo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân và TP Hà Nội.